An toàn thực phẩm- Yếu tố cốt lõi xây dựng thành công thương hiệu

Hàng trăm nghìn cơ sở bị phát hiện vi phạm, số tiền xử phạt rất lớn cho thấy an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề nhức nhối. Trong bối cảnh đó, đáp ứng các tiêu chí về ATTP là một trong những yếu tố cốt lõi giúp xây dựng và gìn giữ thương hiệu của doanh nghiệp (DN).
Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm

Con ruồi và câu chuyện thương hiệu

Chia sẻ về sự cố trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu của DN tại Hội thảo "Đồng hành cùng DN phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát - cho rằng, dù DN có nỗ lực thế nào, thành tích ra sao, nhưng chỉ gặp một sự cố như con ruồi trong chai nước, thương hiệu của DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, nỗ lực lớn trước đó coi như đổ sông, đổ bể.

Sự cố của Tân Hiệp Phát cách đây nhiều năm được nhắc lại như một bài học về tầm quan trọng của ATTP trong xây dựng thương hiệu của DN, nhất là trong bối cảnh ATTP đang là vấn đề được người tiêu dùng rất quan tâm.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - thông tin, những vụ việc như rau chứa tồn dư thuốc trừ sâu, hoa, quả ngâm hóa chất… rất đáng lo ngại. Hậu quả, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng.

Giai đoạn 2011 - 2017, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ATTP. Cụ thể, cả nước đã thành lập gần 182 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại hơn 3,8 triệu cơ sở, phát hiện hơn 778 nghìn cơ sở vi phạm, phạt tiền 72 nghìn cơ sở với số tiền gần 190 tỷ đồng.

Chung tay vì an toàn thực phẩm

Khẳng định đảm bảo ATTP là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp DN xây dựng thành công thương hiệu, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, thông tin ngày càng bùng nổ và những vụ việc mất ATTP sẽ dễ dàng bị người tiêu dùng nhìn ra. Do đó, nếu DN không áp dụng tiêu chuẩn ATTP trong sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng thương hiệu. Ngược lại, khi áp dụng hệ thống quản lý ATTP, DN sẽ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khả năng tiêu thụ tốt trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó thương hiệu được củng cố và phát huy giá trị.

Hỗ trợ cho DN xây dựng và áp dụng thành công tác tiêu chí ATTP vào sản xuất, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 32 địa phương. Năm 2018, tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình này tại 24 địa phương. Đồng thời, hỗ trợ DN kết nối cung - cầu về sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho DN thông qua hệ thống phân phối trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện quy định bảo đảm điều kiện ATTP tại chợ, siêu thị, đặc biệt là chợ đầu mối nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, nhập lậu.

Phương Lan - Phạm Tiệp/http://congthuong.vn/