Anh hùng Lao động về quê xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 28/09/2012 03:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo trình bày về sản phẩm bê tông cốt thép thành mỏng |
Chiều 27-9, nhân dịp Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vớisự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới” do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (BUSACO) đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn tại cụm công nghiệp Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Theo ông Đặng Văn Hoà, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, mấy năm nay, Thái Bình triển khai xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, có nhiều việc cần làm nhưng phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, bê tông hoá kênh mương nội đồng vẫn luôn là mong mỏi, khát vọng của bà con nông dân. Từ lâu, bà con nông dân ở Kiến Xương và Thái Bình đã biết đến tên anh Hoàng Đức Thảo, quê ở xã Vũ Quý là một nhà khoa học nổi tiếng được mệnh danh là “bác sĩ môi trường” trong xử lý chất thải đô thị và là chuyên gia về bê tông cốt thép thành mỏng. Anh cũng là người Việt Nam lập nên kỷ lục nhận nhiều giải thưởng khoa học công nghệ quốc tế nhất, một nhà khoa học “tay ngang” trưởng thành từ người công nhân, nhưng có hàng loạt công trình ứng dụng rất thiết thực cho phát triển đô thị, làm giàu từ khoa học mà không thụ động dựa vào “bầu sữa” ngân sách. Sản phẩm bê tông cốt thép thành mỏng do anh và cộng sự chế tạo đã đi vào mọi ngõ ngách đô thị, hoá giải nhiều bài toán như ô nhiễm, đào phá đường, chất lượng bê tông cao mà giá thành lại rẻ. Nhưng anh cũng chưa nghĩ đến việc có thể mang những sản phẩm đó về vùng đất thuần nông quê mình.
Cho đến một ngày, qua báo chí nói nhiều về anh, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Trần Cẩm Tú và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Sinh nhân một chuyến công tác phía Nam đã tìm đến công ty của anh ở Vũng Tàu, đề nghị anh về giúp đỡ quê hương. Tình cảm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khiến anh trăn trở. Ngay sau đó, anh Thảo đã liên tiếp có những chuyến đi về quê. Nhiều ý tưởng mới chợt loé lên từ lời mời gọi của quê hương. Trước đây, bê tông thành mỏng chỉ chủ yếu ứng dụng cho đô thị thì nay anh và cộng sự mày mò, phát triển thêm nhiều sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn như: Bể chứa nước mưa, bể phốt dùng cho nông thôn, bê tông đúc sẵn làm đường thôn, xã; làm bờ ruộng, kênh mương nội đồng…
“Ba tháng liên tục ra Bắc, lăn lộn với công trường, ruộng đồng, nhìn nước da đen cháy đủ thấy chú Thảo tâm huyết với công việc thế nào” – cụ Nguyễn Văn Đông, một người dân xã Thanh Tân, nơi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới xúc động kể lại. Sau khi ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên, UBND huyện Kiến Xương đã ký kết hợp đồng xây dựng 3 mẫu mô hình hạ tầng nông thôn mới gồm: Một tuyến kênh mương cấp 1, cấp 2 ở xã Vũ Quý; một tuyến đường liên xã ở xã Vũ Thắng; một tuyến đường đô thị ở thị trấn Thanh Nê. Theo ông Phạm Văn Xuyên, từ khi Thanh Tân được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, đã có hơn 500 đoàn tham quan về học tập kinh nghiệm. Nhưng kể từ này, với mô hình, cách làm của anh Thảo, Thái Bình sẽ có thêm một địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm bổ ích mới mà điều quan trọng nhất là mô hình về sự vào cuộc của doanh nghiệp giúp đỡ nông dân.
Một số sản phẩm bê tông phục vụ xây dựng nông thôn mới được trưng bày tại lễ khánh thành nhà máy ở Kiến Xương, Thái Bình |
Cũng theo ông Xuyên, trước mắt, các sản phẩm bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn sẽ được UBND tỉnh Thái Bình cho phép sử dụng tại các dự án xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương nội đồng. Với một số dự án có nguồn vốn từ ngân sách, sẽ thực hiện cơ chế cấp vật liệu cho các xã, huyện, trong đó sản phẩm bê tông cốt thép thành mỏng chất lượng cao sẽ được đưa tới các vùng quê.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo cho biết thêm, sản phẩm bê tông cốt thép thành mỏng là sáng chế đã được nhiều giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế, sản phẩm đã được sử dụng ở 30 tỉnh thành trong cả nước. Nhà máy được xây dựng ở Kiến Xương (Thái Bình) là nhà máy thứ 6 của công ty trên toàn quốc. Với nhà máy này, anh Thảo mong muốn ứng dụng công nghệ mới cho việc quy hoạch, phát triển hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống giao thông, hệ thống các công trình ngầm như điện, cáp quang, cấp nước, thông tin liên lạc, bể phốt; các dự án nông nghiệp, nông thôn mới...Nhà máy ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu cho khu vực Đông Bắc Bộ, không chỉ Thái Bình mà còn nhiều tỉnh lân cận.
Ngay sau lễ khánh thành, đã có nhiều “đơn đặt hàng” được ký kết như: Hợp đồng giữa BUSADCO và UBND huyện Kiến Xương, hợp đồng với Công ty Kỹ thuật công trình Thủy lợi và thoát nước Hưng Yên, hợp đồng với Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng Thái Bình, hợi đồng với Công ty TNHH An Khánh; mỗi hợp đồng đều trị giá từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng…
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Minh
Nguồn:qdnd.vn
Nguồn:qdnd.vn