Áp thuế nhập khẩu phân “cứu” doanh nghiệp, nông dân ai “cứu”?

(TBKTSG Online) - Để kéo giảm lượng tồn kho phân bón xuống; giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, gần đây có ý kiến của một số nhà chuyên môn cho rằng nên áp thuế nhập khẩu. Thế nhưng, nếu áp dụng chắc chắn sẽ tạo ra một áp lực đối với người nông dân.
Áp thuế nhập khẩu phân “cứu” doanh nghiệp, nông dân ai “cứu”?

Thuế suất, doanh nghiệp và nông dân

Theo ông Đỗ Duy Phi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), hiện 4 nhà máy sản xuất phân đạm gồm Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc sản xuất được khoảng 2 triệu tấn/năm, trong đó, nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau mỗi nơi sản xuất được 840.000 tấn/năm (hoạt động hêt công suất), nhà máy đạm Ninh Bình hiện sản xuất được 560.000 tấn/năm và nhà máy đạm Hà Bắc sản xuất được 100.000 tấn/năm

“So với nhu cầu sử dụng trong nước, lượng phân đạm do 4 nhà máy trong nước sản xuất ra hoàn toàn có thể đáp ứng được, thậm chí có thời điểm còn dư thừa”, ông Phi cho biết.

Tuy nhiên, do nhu cầu nhập khẩu phân đạm mỗi năm luôn ở mức cao làm nguồn hàng tồn kho tăng lên, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Thống kê của FAV cho biết hiện mỗi năm Việt Nam dư thừa khoảng 500.000 – 550.000 tấn phân đạm.

Thực tế, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 10, cả nước đã nhập khẩu trên 3 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, lượng phân đạm nhập khẩu khoảng 449.000 tấn.

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón (doanh nghiệp cấp 1), phân đạm (chủ yếu đạm Trung Quốc) được nhập khẩu và tiêu thụ nhiều tại Việt Nam do giá bán rẻ hơn so với phân đạm của một số nhà máy trong nước sản xuất, chẳng hạn, so với đạm Phú Mỹ thì phân đạm Trung Quốc có giá thấp khoảng 20.000 – 25.000 đồng/bao 50 kí lô gam.

Đứng trước áp lực cạnh tranh lớn từ nguồn đạm nhập khẩu, một số ý kiến đề nghị nên áp thuế nhập khẩu đối với phân đạm để “cứu” doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nếu áp thuế nhập khẩu phân bón chắc chắn sẽ là gánh nặng đối với nông dân.

Ông Phi cho biết: “Hiện nay các nhà máy đạm bắt đầu hoạt động hết công suất, lượng urê cung cấp ra thị trường nhiều, thậm chí có lúc thừa, cho nên để bảo vệ hàng trong nước thì cũng phải quan tâm đến chuyện đấy (áp thuế nhập khẩu phân bón-PV)”.

Trao đổi với TBKTSG Online, ý kiến của nhiều nông dân tỏ ra không đồng tình với đề xuất áp thuế nhập khẩu phân bón.

Ông Nguyễn Văn Quốc, nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết: “Tăng thuế nhập khẩu phân bón nghĩa là tăng giá bán cũng tức là chi phí sản xuất nông nghiệp tăng lên. Tôi nghĩ, phân bón là mặt hàng liên quan rất lớn đến chi phí sản xuất của người nông dân nên việc áp thuế cần phải tính toán kỹ”.

Giá phân đạm tăng nhẹ

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm xuống giống vụ lúa đông xuân 2012-2013 nên nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên, làm giá bán tăng theo.

Tại Tiền Giang, Long An giá phân đạm được các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh (đại lý cấp 1) phân phối đến người dân tăng bình quân 5.000 đồng/bao 50 kí lô gam so với mức giá cách nay 1 tháng.

Cụ thể, tại đại lý vật tư nông nghiệp Hai Chiến, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang (đại lý cấp 1), giá phân đạm bán cho người dân vào ngày 27-11 có giá 485.000 đồng/bao 50 kí lô gam đối với đạm Phú Mỹ; đạm Trung Quốc và Cà Mau được bán đồng giá 460.000 đồng/bao 50 kí lô gam.

Riêng đối với các mặt hàng phân hạt khác như NPK, DAP vẫn duy trì ổn định so với mức giá cách nay 1 tháng.

Cụ thể, DAP Philippines có giá 815.000 đồng/bao 50 kí lô gam, DAP Trung Quốc 700.000 đồng/bao 50 kí lô gam, NPK 16- 16-8 có giá 590.000 đồng/bao 50 kí lô gam đối với mặt hàng nhập khẩu của Philippines.

thesaigontimes.vn