Ba Tri: Phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Tri lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, đầu tư phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng.
Bò được xem là vật nuôi chủ lực của huyện. Ảnh: Xuân Hương

Duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, cụ thể hóa 3 giải pháp đột phá, tại Kỳ họp lần thứ 2, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Tri đã thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giai đoạn 2015-2020. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, trước những diễn biến thất thường về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, các loại dịch bệnh thường xảy ra, nhưng huyện vẫn tiếp tục duy trì ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Hệ thống thủy lợi nội đồng thường xuyên được đầu tư xây dựng, cơ bản hoàn chỉnh và ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ nên sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xác định thế mạnh về sản xuất và nuôi trồng ở từng khu vực. Diện tích đất sản xuất cây lúa có giảm, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng giống, kỹ thuật sản xuất mới và nhiều mô hình cải tạo giồng tạp, trồng xen, nuôi xen được triển khai nên đã nâng cao năng suất, sản lượng. Sản lượng cây lúa năm 2014 đạt 187 ngàn tấn, tăng 2,2% so với năm 2010; sản lượng cây màu - thực phẩm tăng 66,2%. Chăn nuôi phát triển khá, trong đó, đàn bò phát triển nhanh về số lượng; quy mô chăn nuôi hộ gia đình được mở rộng. Đến cuối năm 2014, tổng đàn bò tăng 14,3% so với năm 2010, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho các hộ nông dân trong huyện.

Thủy sản tiếp tục được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Diện tích nuôi tăng 8,5%, số lượng tàu đánh bắt xa bờ từ 920 chiếc năm 2010, tăng lên 1.232 chiếc. Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tăng 40% so với cuối năm 2010. Các hợp tác xã thủy sản được củng cố, hoạt động ổn định, góp phần quản lý, khai thác tốt nguồn nghêu giống, nghêu thương phẩm trên địa bàn và đảm bảo an ninh trật tự khu vực biển. Hậu cần nghề cá phát triển khá mạnh, tạo điều kiện kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực nông nghiệp còn một số hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của huyện. Việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn nhiều lúng túng. Ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tại các xã Tân Xuân, Mỹ Nhơn, nhưng việc nhân rộng còn chậm, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung có quy mô và sản lượng lớn, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất gặp không ít khó khăn, diễn biến thời tiết thất thường gây bất lợi cho sản xuất và nuôi trồng.

Giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp

Để lĩnh vực nông nghiệp thật sự là nhiệm vụ đột phá, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, Huyện ủy Ba Tri chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tăng cường đầu tư có hiệu quả các lĩnh vực sản xuất và nuôi trồng, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực hiện tốt công tác thủy lợi, xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh các cống ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp tục cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa, nhân rộng mô hình sản xuất giống sạch, chất lượng cao. Đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa ổn định 35.600ha, sản lượng 185.500 tấn. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng lúa mẫu, mạnh dạn chuyển đổi các vùng sản suất lúa 3 vụ ở những nơi kém hiệu quả, thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn chuyển sang làm 2 vụ lúa trung vụ, chú trọng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nâng diện tích cây màu lên 3.500ha, nhân rộng mô hình trồng rau sạch, tổ hợp tác sản xuất có hiệu quả. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, gia trại, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, xác định con bò là vật nuôi chủ lực, quan tâm xây dựng thương hiệu đàn bò Ba Tri, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò là 100 ngàn con. Cùng với phát triển bò thương phẩm, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả dự án phát triển đàn bò sữa giai đoạn 2015-2019 ở các xã Phú Ngãi, Phú Lễ, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, An Phú Trung.

Gắn phát triển nông nghiệp với tiếp tục thực hiện chiến lược biển, xác định thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu diện tích nuôi đến năm 2020 khoảng 5.900ha, trong đó có 2.400ha nuôi thâm canh; bán thâm canh, sản lượng nuôi đạt 30 ngàn tấn. Tập trung loại hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ, khuyến khích nuôi quảng canh cải tiến. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Củng cố các hợp tác xã thủy sản bảo đảm hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên và an ninh khu vực biên giới biển. Phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, đến năm 2020 có 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tổng sản lượng khai thác tăng bình quân 12%/năm.

Với việc xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với sự tăng nhanh của lĩnh vực công nghiệp, kinh tế của Ba Tri sẽ phát triển ổn định và ngày càng bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thị trấn Ba Tri đạt tiêu chí thị xã.

Theo Hồng Vân/baodongkhoi.com.vn