Ba Vì nhiều khó khăn trên đường về đích
- Thứ hai - 18/01/2016 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, chặng đường về đích NTM của 23 xã còn lại gặp không ít thách thức, trở ngại.
Tiến độ chậm
Khi bắt tay vào đánh giá, khảo sát hiện trạng để lập đề án xây dựng NTM, hầu hết các tiêu chí trên địa bàn huyện Ba Vì đều đạt thấp, nhất là cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của địa phương, TP rất quan tâm đầu tư cho các địa bàn khó khăn như Ba Vì, thậm chí một số quận nội thành cũng chung tay hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa đạt chuẩn. Kết thúc năm 2015, huyện Ba Vì có thêm 4 xã gồm Châu Sơn, Phong Vân, Phú Phương và Phú Châu được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã về đích NTM của huyện lên 7 xã. Ngoài ra, 6 xã giai đoạn 1 của huyện đã cơ bản hoàn thành từ 14 – 17 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 – 14 tiêu chí.
Thu hái chè tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Đạt |
Kết quả này là sự khích lệ lớn đối với phong trào xây dựng NTM của huyện Ba Vì trong bối cảnh xuất phát điểm thấp. Nói như ông Lê Văn Cường – Bí thư Đảng ủy xã Phong Vân, xã vừa cán đích NTM trước thềm năm mới Bính Thân, để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đã vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại. Mặc dù vậy, với 7/23 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 23,33%), Ba Vì vẫn được xếp vào nhóm 4 địa phương có kết quả xây dựng NTM đạt thấp của TP, cùng với Chương Mỹ, Sơn Tây và Mỹ Đức.
Không những thế, kết quả xây dựng NTM cũng không đồng đều ngay trên địa bàn huyện, trong đó, chậm và khó nhất là ở các xã miền núi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM từ ngân sách còn hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Trong khi đó, các xã lại chưa chủ động xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn lực thực hiện xây dựng NTM ở địa phương mà vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên. Do đó, tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm.
Xây dựng lộ trình phù hợp
Phân tích về những tồn tại, hạn chế của địa phương, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Ba Vì cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quyết liệt triển khai xây dựng NTM. Cụ thể là chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình, khả năng của địa phương. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ chuyên môn làm công tác xây dựng NTM ở cơ sở còn hạn chế nên việc nắm bắt thông tin về chương trình chưa đầy đủ. Một số xã chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới mà vẫn sản xuất theo truyền thống nên giá trị sản phẩm hàng hóa chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải chia sẻ, qua 5 năm triển khai xây dựng NTM cho thấy đây thực sự là chương trình mang tính toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, để thực hiện tốt chương trình này phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Ba Vì đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn 23 xã còn lại, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, Ba Vì có trên 70% xã đạt chuẩn NTM, các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 1 – 2 tiêu chí/năm và trong năm 2016, có 3 xã Sơn Đà, Đông Quang và Thụy An đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, UBND huyện Ba Vì yêu cầu các xã đã hoàn thành xây dựng NTM phải xây dựng kế hoạch tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng NTM bền vững. Đối với các xã khác, phải tập trung xây dựng kế hoạch, khai thác nguồn lực để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương.
Thiên Tú
Theo: kinhtedothi.vn
Theo: kinhtedothi.vn