“Ba nhất” ở Phú Ninh
- Thứ sáu - 26/05/2017 21:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Phú Ninh thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm và những vấn đề liên quan trực tiếp đời sống người dân. Huyện ủy và các cấp ủy xây dựng và quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên việc đăng ký, thực hiện “bốn đúng, bốn phải, ba sát” (đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chủ trương chính sách, pháp luật; phải minh bạch, phải tận tình, phải chính xác, phải đúng hẹn; sát dân, sát việc, sát cơ sở). Huyện ủy có chủ trương cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng theo phương châm “ba nhất” (gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất). Thực tế cho thấy, việc thực hiện phương châm trên ở Phú Ninh đã làm cho cán bộ, đảng viên gắn bó hơn với nhân dân, đồng thời giải quyết ngày càng hiệu quả những vấn đề đặt ra từ cơ sở.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua năm xã của huyện Phú Ninh (Quảng Nam) được khởi công tháng 5-2015 và dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Khó khăn nhất trong giải phóng mặt bằng là một số hộ dân chưa hài lòng về giá đền bù, nhiều hộ đã nhận tiền song chưa bàn giao mặt bằng do phải chờ nhận lô tái định cư…, làm ảnh hưởng tiến độ và mục tiêu thông xe toàn tuyến.
Trước tình hình ấy, cùng với việc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, Huyện ủy Phú Ninh phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ và các đồng chí huyện ủy viên theo dõi, phụ trách tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, lãnh đạo huyện, xã tăng cường gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thông qua các buổi tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để giải quyết các vấn đề liên quan. Bằng cách làm này, các hộ dân đã rút đơn khiếu nại, nhận tiền hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Ở xã Tam Thái, từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiều năm nay duy trì tiết kiệm chi tiêu cá nhân để phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mỗi đảng viên chi bộ cơ quan xã còn tiết kiệm 10 nghìn đồng/tháng để giúp học sinh nghèo và tặng quà gia đình chính sách. Cũng bằng cách tiết kiệm chi tiêu hằng tháng, mỗi năm, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Ninh Quang Thạnh đã dành ra 1,2 triệu đồng để tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân chất độc da cam. Đồng chí cũng bảy lần tình nguyện hiến máu cứu người. Từ việc tiết kiệm chi tiêu gia đình, mỗi năm, Bí thư Chi bộ, Trưởng trạm Y tế xã Tam Thái Hồ Thị Kim Hùng đã có 2,2 triệu đồng làm quà tặng mẹ liệt sĩ và gia đình có người tàn tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Tổ trưởng Phụ nữ tổ 6, thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái Lê Thị Tư còn đứng ra tổ chức góp vốn quay vòng giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình; Chi hội phó Hội Nông dân thôn Xuân Phú Lương Lộc dùng uy tín cá nhân để ký nhận mua trả chậm 1,5 tấn phân bón rồi đưa về phân phối giúp hội viên đầu tư sản xuất;… Hướng về người nghèo, Chi đoàn Thanh niên của Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh vừa duy trì khám, lấy bệnh phẩm, làm các xét nghiệm, chữa bệnh tại nhà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thương binh nặng, vừa phân công đoàn viên nấu nước chè xanh, nước ấm phục vụ miễn phí tại khu vực khám bệnh và các khoa, phòng điều trị; hỗ trợ tiền mua sữa cho người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp nhiều đơn vị duy trì 50 suất ăn miễn phí/tháng phục vụ người bệnh nghèo. “Những cử chỉ và việc làm của đội ngũ y, bác sĩ ở đây tạo cho chúng tôi không khí đầm ấm, có thêm tinh thần vượt qua bệnh tật”, anh Dương Hoàng đang điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện cho biết.
Những nghĩa cử, việc làm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân, tương ái” của cán bộ, đảng viên ở Phú Ninh đã khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Với hai triệu đồng thù lao từ việc thu gom rác thải hằng tháng, các tổ viên Tổ thu gom rác thải ở chợ Cẩm Khê, xã Tam Phước cùng thống nhất dành dụm để làm vốn xoay vòng, giúp nhau buôn bán và lúc khó khăn đột xuất. Năm 2015, Tổ còn phối hợp chi hội phụ nữ mua một xe đẩy bán sữa đậu nành và dành bốn triệu đồng để tặng hai chị hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Hai năm qua, chị Đặng Thị Minh Hiến, Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải còn vận động được gần 50 triệu đồng từ các nhà hảo tâm để tặng quà các cháu mồ côi ở nhà trẻ xã Tam Đàn; thăm và tặng quà người già neo đơn, trẻ em khuyết tật.
Cùng các phong trào giúp người nghèo vượt khó, như: “Ngày vì người nghèo”, “Khu dân cư xóa đói, giảm nghèo”, “Mái ấm neo đơn”, “Hũ gạo tình thương”, “Hỗ trợ bò cho nông dân nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất”,… trên địa bàn, năm qua, huyện Phú Ninh đã hạ được tỷ lệ hộ nghèo, giảm gần 12% so với 5 năm trước; nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở khu vực nông thôn.
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Nguyễn Cảnh cho biết, năm 2015, huyện Phú Ninh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình “Chi bộ, cơ quan, đơn vị giúp đỡ thôn, khối phố xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, khối phố văn minh đô thị”, “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, quyết tâm nâng cao chất lượng tiêu chí của huyện nông thôn mới.
Theo: Hoàn Lâm/nhandan.com.vn