‘Ba ổn định’ để thu hút FDI
- Thứ năm - 14/06/2018 05:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông điệp nhất quán
Một thông tin rất đáng chú ý. Đó là khi tham dự Hội nghị Tương lai châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 11/6/2018, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã khẳng định, Việt Nam cam kết luôn duy trì “ba ổn định” để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đó là ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách.
Việt Nam cần phải sớm có chiến lược mới về thu hút FDI, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này. Ảnh: Đ.T |
“Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, dễ tiên liệu, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Chính phủ cũng nỗ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Trên thực tế, đây chính là thông điệp nhất quán của Chính phủ Việt Nam về thu hút FDI trong 3 thập kỷ qua, nhưng cũng là đòi hỏi của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi nhìn lại chính sách thu hút FDI của Việt Nam 30 năm qua, cũng đã khẳng định điều này. Theo ông, Việt Nam cần một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
“Các quy định pháp lý cần có tính nhất quán để tránh hiểu sai và tránh các thay đổi bất ngờ, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và niềm tin chung của doanh nghiệp”, ông Denis nói và cho rằng, những cuộc đối thoại có tính chất xây dựng về sự thay đổi của các chính sách sẽ mang lại kết quả tốt và có thể tạo nên hình ảnh Việt Nam tích cực, từ đó khuyến khích dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Có chung quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, tính ổn định của chính sách pháp luật vẫn là mối quan ngại lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Cải thiện tình trạng này sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam thành công hơn nữa trong thu hút FDI.
“Thay đổi chính sách cần phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động trong điều hành chiến lược kinh doanh. Việt Nam cũng cần hình thành định hướng và chính sách mới về thu hút vốn FDI một cách ổn định, nhất quán và đồng bộ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Một khi Chính phủ cam kết “3 ổn định”, cơ hội thu hút FDI của Việt Nam trong tương lai là rất lớn.
Nhưng đâu mới là chiến lược đúng trong giai đoạn tới?
An ninh - chính trị ổn định, liên tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh chính là một lợi thế rất lớn của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian qua. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam giành được những thành tựu không nhỏ, với lũy kế tính đến ngày 20/5/2018, cả nước có 25.691 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Trong khi đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Kết quả này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã khiến không ít quốc gia “ghen tỵ”.
Nhưng khi Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn, những xung đột về địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ đang lan rộng và cũng đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI, thì đâu mới là chiến lược đúng đắn?
Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần phải có một chiến lược thu hút FDI mới. “Chúng ta vẫn rất cần FDI, nhưng phải có định hướng và ưu tiên các tiêu chí như xanh, tức là đảm bảo môi trường sạch”, ông Trần Hoàng Ngân nói. Ông nhấn mạnh, phải làm sao để đảm bảo “lý lịch” của các doanh nghiệp FDI không có những “vết nhơ” trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại.
Tại các phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, bên cạnh việc cam kết có môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thuận lợi, thì Việt Nam phải sớm có chiến lược mới về thu hút FDI.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Đảng, Nhà nước một số định hướng lớn trong thu hút FDI trong bối cảnh mới, bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển giao công nghệ và kết nối được hai khu vực trong nước và nước ngoài thành thể thống nhất, cùng nhau phát triển. Định hướng chiến lược này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng.