Bắc Giang: Phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu đổi mới, phát triển HTX, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 mỗi năm thành lập mới 15 - 20 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có 40 - 50% HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bắc Giang cũng đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng từ 2 - 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến, nâng mức thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX, thành viên và người lao động trong các HTX nông nghiệp tăng bình quân trên 15%/năm.

Dồn lực phát triển HTX

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hoàng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: “Bắc Giang đang tập trung triển khai hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp theo Quyết định số 2261 ngày 15/12//2014 của Thủ tướng

Chính phủ. Đẩy mạnh xây dựng và hình thành một số HTX điểm ở tất cả các huyện, thành phố hoạt động theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ”.

“Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành liên quan tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận tiến bộ KH-KT, phương pháp quản lý mới, tham gia trực tiếp vào các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh”, ông Tuấn tiếp tục. 

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đang tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm bảo đảm ATVSTP và quảng bá thương hiệu...

Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bắc Giang có 346 HTX nông nghiệp, tăng 33 HTX so với năm 2016. Số lượng HTX nông nghiệp của tỉnh hoạt động theo Luật HTX 2012 là 346/346 HTX, trong đó có 151 HTX thành lập sau Luật và 195 HTX thực hiện chuyển đổi. Doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt khoảng 700 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc tập trung dồn nguồn lực phát triển HTX, Bắc Giang còn đặc biệt quan tâm cải thiện vấn đề ATVSLĐ trong khu vực này.

Bắc Giang đang tập trung nguồn lực phát triển HTX công nghệ cao gắn với ATVSLĐ

Bảo đảm an toàn lao động

Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết hiện tại, người lao động trong khu vực HTX còn hạn chế về năng lực và tiếp thu tiến bộ KH-KT, nên nhận thức về ATVSLĐ của đội ngũ cán bộ quản lý và NLĐ tại các HTX nói chung cũng yếu kém. 

Vì vậy, kể từ đầu năm 2017, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung nâng cao nhận thức về ATVSLĐ trong quá trình sản xuất và những nguy hại do các chất thải không được kiểm soát gây ra. 

Chủ động hỗ trợ các HTX hoàn thiện công tác bảo hộ lao động, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn, bảo hộ, vệ sinh lao động để giảm chi phí sản xuất.

Từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, nhiều mô hình HTX đã ứng dụng các tiến bộ KH-KT mới vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng dưa lưới của HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 (huyện Hiệp Hòa), HTX nông nghiệp Quang Thịnh (huyện Lạng Giang)…

Ông Trần Văn Sỹ - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang), cho biết HTX đang là một trong những “đầu tàu” về mô hình HTX kiểu mới ở tỉnh với 11 mô hình dịch vụ như cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư…

“Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX không chỉ phát triển mạnh về cơ sở vật chất, hiệu quả kinh tế, mà đang làm tốt công tác ATVSLĐ. Nếu như trước đây, không ít lần các thành viên gặp phải sự cố khi sử dụng máy móc, thì trong 2 năm trở lại đây, những sự cố đáng tiếc đã không còn xảy ra”, ông Sỹ nói.

Hưng Nguyên
http://thoibaokinhdoanh.vn