Bạc Liêu: Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế thủy sản
- Thứ năm - 18/02/2016 21:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Coi trọng tuyên truyền
Xác định xây dựng NTM là một quá trình lâu dài và liên tục, phải hội tụ được sức mạnh và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, đây chính là chìa khóa trong quá trình xây dựng NTM của Bạc Liêu. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Xây dựng NTM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Bạc Liêu thường xuyên chỉ đạo các cơ quan ban ngành khối tuyên truyền, tập trung tuyên truyền xây dựng NTM đến các cán bộ, công nhân viên, nhân dân. UBMTTQ TP đã triển khai cuộc hướng dẫn thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong xây dựng NTM.
Không những vậy, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền NTM trong các đoàn viên, hội viên.
Ngoài ra, các ban ngành trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như tổ chức tọa đàm "thông tin tuyên truyền xây dựng NTM". Đài truyền thanh vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư", tích cực xây dựng các chuyên mục, bản tin để đưa tin phản ánh về phong trào xây dựng NTM; đã có trên 100 bản tin, bài, mục phổ biến về kiến thức xây dựng NTM. Các pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng NTM và tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng NTM giữa các xã cũng được triển khai mạnh mẽ.
Mô hình nuôi tôm theo VietGAP đang được nhân rộng ở Bạc Liêu - Ảnh: Trần Út
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhờ phát huy hiệu quả tuyên truyền, xây dựng NTM ở Bạc Liêu đã xuất hiện nhiều điển hình sản xuất tốt được nhân rộng. Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) đã tập trung phát động phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi nhằm nâng cao mức sống cho người dân, qua đó góp phần xây dựng NTM. Tổ hợp tác 30/4 nuôi tôm có trách nhiệm, cùng hỗ trợ nhau trong nuôi tôm…
Từ đó xuất hiện một số mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, như mô hình nuôi cua biển của 3 hộ dân ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) với vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, cho lợi nhuận cao. Với diện tích 1,5 ha, chi phí sản xuất là 10 triệu đồng, nhưng tổng thu được 70 triệu đồng, như vậy người sản xuất sẽ có lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/ha sau một đợt thu hoạch.
Mô hình sản xuất đa canh - đa con trên cùng diện tích đất giúp đời sống nhiều hộ nông dân ở huyện Hồng Dân, Phước Long ngày càng được nâng cao. Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho rằng: "Trước đây, nông dân ở vùng mặn của huyện chủ yếu sống nhờ vào con tôm. Nếu tôm nuôi thiệt hại hay rớt giá, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi nhân rộng mô hình sản xuất đa cây - đa con kết hợp, bà con thu nhập từ nhiều nguồn, không còn phụ thuộc vào con tôm như trước".
Mô hình lúa - tôm được nhiều hộ nông dân ở huyện Phước Long và Hồng Dân thực hiện khá thành công. Hộ ông Nguyễn Văn Quýt ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long thực hiện luân canh 2 tôm - 1 lúa khá hiệu quả. Với diện tích 3 ha, năm vừa qua anh thu từ trồng lúa được 50 triệu đồng, trừ chi phí 13 triệu đồng còn lãi 37 triệu đồng. Tôm thu 90 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Tổng lãi 107 triệu đồng.
Các mô hình phù hợp với hộ kinh tế gia đình như: tôm - lúa - cua; nuôi cá bống tượng, cá sấu, cá chình… cũng rất phát triển. Áp dụng các mô hình này, sau mỗi đợt thu hoạch, nông dân lãi 70 - 110 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất mới mà đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, có điều kiện mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Khó khăn về vốn
Giai đoạn 2014 - 2015, Bạc Liêu cần hơn 3.590 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 1.120 tỷ đồng; vốn địa phương hơn 273 tỷ đồng; vốn chương trình lồng ghép 580 tỷ đồng; vốn tín dụng 1.190 tỷ đồng; vốn vận động doanh nghiệp 128 tỷ đồng và vốn vận động nhân dân gần 299 tỷ đồng.
Bên cạnh các tiêu chí cần đầu tư về giao thông, điện, nhà ở, nước sạch, thiết chế văn hóa… thì giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững cũng cần được chú trọng. Phát triển kinh tế thủy sản mới chỉ dừng lợi ở kinh tế nhỏ cho gia đình, chưa có quy mô. Tuy nhiên, một số mô hình hiệu quả, tiềm năng song vẫn cần vốn đầu tư lớn nên chưa được triển khai nhân rộng như mô hình nuôi tôm trong nhà kính…
Được biết, sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Bạc Liêu đã huy động các nguồn vốn hơn 3.337 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là gần 49 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác hơn 700 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 265 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới gần 393 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 1.622 tỷ đồng; và vốn nhân dân đóng góp hơn 304 tỷ đồng.
>> Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Bạc Liêu, hiện tỉnh mới có duy nhất xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2014 có thêm 6 xã đạt 19/19 tiêu chí; đến hết năm 2015 có 13 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM; 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 22 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 8 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. |