Bắc Ninh: Nâng cao thu nhập từ sản xuất tỏi theo hướng VietGAP

Bắc Ninh: Nâng cao thu nhập từ sản xuất tỏi theo hướng VietGAP
Hàng năm, diện tích trồng hành, tỏi của tỉnh Bắc Ninh khoảng 300-400ha, tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình.

Đặc biệt, xã An Thịnh (Lương Tài) là địa phương có truyền thống trồng tỏi lâu đời; việc sản xuất tỏi ở đây chủ yếu vẫn theo tập quán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo kỹ thuật, sản phẩm đầu ra chưa ổn định.

toi_bninh.JPG
Mô hình sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP tại xã An Thịnh.
 

Sản phẩm an toàn, giá trị cao

Để áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, nhằm tạo ra sản phẩm tỏi an toàn, giá trị cao, thuận lợi cho việc tiêu thụ; vụ đông năm 2019, Chi Cục Trồng trọt và BVTV Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài triển khai mô hình “Sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP” với quy mô 3ha tại thôn An Trụ, xã An Thịnh.

Mô hình sử dụng giống tỏi tía, đây là giống địa phương thường trồng đại trà với điều kiện tự nhiên của vùng, chất lượng tốt, hương vị thơm, cay đậm. Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Trung tâm DVNN huyện Lương Tài tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thực địa đồng ruộng từ khi triển khai sản xuất đến khi thu hoạch.

Để đảm bảo sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP, người dân tham gia mô hình phải thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng; khi sử dụng thuốc phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng kỹ thuật); sử dụng thuốc BVTV khi tỷ lệ bệnh đến ngưỡng phòng trừ; áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thông qua các buổi tập huấn mô hình, cán bộ kỹ thuật đã tuyên truyền tác hại của bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Toàn bộ hộ tham gia mô hình có ý thức trách nhiệm rất tốt với việc bỏ bao gói thuốc BVTV vào thùng chứa (các thùng chứa được đặt tại các cánh đồng). Căn cứ vào tình hình sâu bệnh trên cây tỏi, các hộ dân tổ chức phòng trừ, cùng với việc sử dụng chế phẩm vi sinh Bio-EM03 tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, hạn chế nấm bệnh, giúp cho cây tỏi tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Lợi ích kép

Qua thực hiện mô hình thấy, sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP thu được lợi ích kép với nhiều ưu điểm so với sản xuất thông thường như giảm lượng phân bón (10 kg lân supe, 04 kg đạm urê/sào); số lần phun thuốc BVTV ít hơn; năng suất tỏi tươi đạt khoảng 650 kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) so với 630 kg/sào ngoài mô hình; giá bán tỏi tươi 17.000 đồng/kg vào thời điểm thu hoạch, trừ chi phí, thu lãi khoảng 6,5 triệu đồng/sào. Tổng mô hình cho thu lãi hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, tỏi được sản xuất an toàn theo hướng VietGAP giúp người dân dễ tiêu thụ hơn, bán được giá cao hơn so với tỏi trồng thông thường.

Mô hình sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP phát huy được lợi thế về truyền thống sản xuất tỏi tại địa phương, giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Đây là một trong những giải pháp góp phần đưa thương hiệu tỏi Lương Tài phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Công Cường/kinhtenongthon.vn