Sẵn sàng nguồn cung
Mặt khác, anh Thứ còn có đàn gà Hồ lai thả vườn khoảng 5.000 con, bình quân 3 lứa/năm. Đây cũng là số lượng gà chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2020, dự kiến giá gà thịt dao động quanh mức 75.000-85.000 đồng/kg.
Được biết, ngoài khu vực chăn nuôi, anh Thứ còn có cửa hàng thuốc thú y, phục vụ bà con nuôi thuỷ sản trong vùng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Doanh thu hàng năm toàn trang trại đạt 4-5 tỷ đồng, lãi cao nhất 400-500 triệu đồng/năm.
Bà Bùi Thị Gấm ở thôn Nghĩa La (xã Trung Chính, huyện Lương Tài), cho biết, gia đình có 1,2ha vườn cây, ao cá, chuồng lợn 10 con. Đầu năm 2019, do có DTLCP, nên đàn lợn luôn được chăm sóc cẩn thận. Dự kiến, Tết Nguyên đán 2020 gia đình xuất bán khoảng 1 tấn thịt móc hàm. Nếu như thời điểm áp Tết cổ truyền năm 2019, giá thịt lợn móc hàm chỉ 50.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên gần gấp đôi. Ra Giêng, bà Gấm vẫn tiếp tục tái đàn để phát triển đàn lợn.
Ngoài ra, do nguồn cung thịt lợn khan hiếm, bà Gấm đã chuẩn bị 5-6 tấn cá truyền thống, bao gồm các loại: trôi, mè, trắm, chép. Ngoài thực phẩm, trên bờ ao, bà còn có các loại cây ăn quả như chuối, vải, nhãn; đặc biệt là 86 trụ thanh long, cũng sẵn sàng phục vụ Tết Canh Tý 2020.
Không riêng ở Lương Tài, bà con huyện Thuận Thành cũng đã chủ động tăng đàn gà, vịt, cá, kịp xuất bán vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Ông Nguyễn Chí Mạnh (thôn Lạc Hoài, xã Song Hồ) kể, ông có đàn lợn 100 con, trong đó có 80 lợn thịt, 20 lợn nái, chuẩn bị cung cấp ra thị trường dịp Tết 2020. Song, cách đây vài tháng, DTLCP đã làm chết cả đàn, chỉ còn lại 1 lợn nái. Do vậy, gia đình đang tạm nghỉ việc chăn nuôi lợn, vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị tái đàn vào năm sau. Đồng thời, ông Mạnh tập trung chăm sóc 2ha ao cá gồm: trôi, mè, trắm, chép, rô phi và tăng đàn gà, vịt để gia tăng nguồn thu và bù thiệt hại từ chăn nuôi lợn.
Những năm trước, ông Mạnh chỉ đầu tư 4-5 tấn cá, đầu năm 2019, DTLCP xuất hiện và kéo dài, cách đây 4-5 tháng, ông chủ động tăng sản lượng cá lên gấp đôi, hiện đạt ngưỡng 10 tấn/2 ao. Giá cá có thể tăng vào dịp Tết Nguyên đán, khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg cá trắm, chép (trước đó chỉ 35-40.000 đồng/kg); cá rô phi, trôi, mè 30.000- 35.000 đồng/kg (trước đó chỉ 20.000-25.000 đồng/kg).
“Mặt khác, cũng thời điểm trên, gia đình còn bổ sung nuôi gà, vịt. Mỗi tháng xuất bán 1 lứa vịt (vịt trọng lượng khoảng 2,7-3kg), mỗi lứa khoảng 1.000 con, 40.000-45.000 đồng/kg. Gà, trước đây nuôi 3-4 lứa/năm, nay tăng lên 6-7 lứa/năm, mỗi lứa 1.000 con, bán giá bình quân 70.000 - 80.000 đồng/kg”, ông Mạnh cho biết thêm.
Trang trại giúp người dân làm giàu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, cho biết: “Kinh tế trang trại đã giúp người dân làm giàu và có đời sống ổn định. Doanh thu hàng năm của các nông trại năm sau cao hơn năm trước. Bắc Ninh hiện có 2.846 trang trại, gia trại, sở hữu gần 2.300ha đất nông nghiệp.
Hàng năm giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 8.500 lao động. Đặc biệt, đáng ghi nhận là, Bắc Ninh đã hình thành nhiều vùng trang trại, ứng dụng công nghệ cao như: nuôi thuỷ sản ở Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ..., cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha”.
Cũng theo ông Vững, phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại của Bắc Ninh đã và đang có những đóng góp tích cực vào sản xuất nông nghiệp và XDNTM. Đáng ghi nhận là, các chủ trang trại đã gương mẫu thực hiện tinh thần “Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn”, nhất là trong dịp lễ, Tết; đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại và kinh tế nông thôn xanh, sạch đẹp, an toàn, hiệu quả.
Theo Dương An Như/kinhtenongthon.vn