Bắc Quang (Hà Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới

Bắc Quang (Hà Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới
Sau gần hai năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã có những đổi thay rõ nét. Không chỉ bộ mặt của thôn, xã khang trang mà đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên, cái đói, cái nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho phong trào cùng nhau phát triển kinh tế sôi nổi ở khắp các địa phương.

Chung sức đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới

 

 Cầu do người dân ở xã Vĩnh Hảo tự làm để thuận lợi cho việc 
chuyên chở nông sản đi tiêu thụ (Ảnh: K.V)


Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của chương trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, huyện Bắc Quang đã kiện toàn và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp làm trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách nông- lâm nghiệp làm phó ban thường trực, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cùng với các cơ quan chuyên môn, mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể của huyện, và các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn làm thành viên.

 

Ông Hoàng Quang Phùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang cho biết, hiện nay 100% các xã của huyện Bắc Quang đều có Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng uỷ xã làm trưởng ban để chỉ đạo thực hiện chương trình, 100% số xã đã thành lập Ban Quản lý để tổ chức triển khai thực hiện chương trình do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã làm trưởng ban quản lý, điều này có ý nghĩa tích cực đến việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương vì các trưởng ban đều là người nắm giữ chức vụ quan trọng và có vai trò, trách nhiệm trong việc giải quyết công việc.

Không chỉ ở cấp xã mà đến cấp thôn, bản của Bắc Quang cũng đã thành lập ra các Ban phát triển thôn, các ban này đều do trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ thôn làm trưởng ban để vận động, tổ chức nhân dân tham gia thực hiện chương trình.

Công tác chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ở Bắc Quang từ huyện đến tận thôn, bản đã triển khai chi tiết cụ thể các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đến cấp cơ sở một cách kịp thời và đầy đủ, từ đó đã làm giảm bớt các khó khăn, lúng túng cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều văn bản được triển khai một cách cụ thể, rõ ràng xuống đến tận cán bộ đảng viên và nhân dân cả những nơi vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại còn khó khăn. Đó là việc hướng dẫn các xã tiến hành rà soát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia và bộ tiêu chí của tỉnh Hà Giang về chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó có ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hoá các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và của các ngành về chương trình xây dựng nông thôn mới liên quan đến các quyết định phân bổ kinh phí.

Ngoài ra, Bắc Quang còn ban hành văn bản hướng dẫn lập đề án, mẫu đề án để hướng dẫn các xã trên cơ sở kết quả rà soát đánh giá thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiến hành lập đề án Xây dựng nông thôn mới của các xã giai đoạn 2011-2015 tính đến 2020, đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề án, trình huyện thẩm định và phê duyệt.

Bên cạnh đó Ban chỉ đạo chương trình Xây dựng nông thôn mới của huyện đã tổ chức đi kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm như: Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Vĩnh Hảo, Hùng An và Quang Minh nhằm đánh giá việc triển khai tại các địa phương, phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bắc Quang tổ chức phát động và triển khai phong trào này từ năm 2010 đến năm 2020 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ nay đến 2015 với mục tiêu hoàn thành 5 xã xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4 xã điểm của huyện và 1 xã làm điểm của tỉnh. Giai đoạn II từ năm 2015 đến năm 2020, phấn đấu toàn huyện có 15 xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những xã còn lại có 50% số thôn đạt tiêu chí. Qua đó, các mục tiêu phấn đấu từ nay đến 2020 là: 100% xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới vào năm 2012; bê tông hoá 60% đường liên thôn, ngõ xóm, đồng thời phấn đấu 100% số hộ có nhà kiên cố, không còn hộ sống rải rác trên các triền núi cao, vùng có nguy cơ sạt lở. Song song với đó, huyện tích cực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, kênh mương nội đồng được cứng hoá đạt 50%; trên 70% trường học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; đưa tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm từ 8% đến 10%. Mục tiêu của huyện là năm 2015, thu nhập bình quân đầu người cao hơn từ 1,2 – 1,5 lần so với bình quân của tỉnh, 100% cán bộ xã đạt chuẩn và 80% Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh...

 

 

Đổi thay từ phong trào xây dựng nông thôn mới

 

 Mô hình trồng cam đường canh đang được đưa lên
trồng trên đất Bắc Quang cho hiệu quả cao
(Ảnh: K.V)


Năm 2011, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng giá trị kinh tế đạt 12,8% so với năm 2010, tổng giá trị sản xuất đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 194 tỷ đồng so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm nghiệp chiếm 31,6%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 29,4% và Dịch vụ - Thương mại có bước tăng trưởng mạnh, chiếm 39%, tăng 1,3% so với năm 2010. Có thể khẳng định, đời sống của nhân dân các đồng bào dân tộc của Bắc Quang tiếp tục được nâng cao, giá trị sản phẩm bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm.

 

Xác định vai trò to lớn của công tác tuyên truyền cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong năm 2011, các thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới đã triển khai công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông thôn tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tự giác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình, nhằm thực hiện được các mục tiêu đề ra. Các ngành chức năng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức được 26 đêm giao lưu văn nghệ lồng ghép với tuyên truyền bộ tiêu trí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đây là cách làm sáng tạo và hiệu quả mà huyện Bắc Quang đã thực hiện tốt trong thời gian qua.

Sau khi hoàn tất công tác khảo sát địa bàn, xây dựng, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, và dự toán kinh phí quy hoạch, cùng với việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổ thẩm định quy hoạch của huyện theo đúng quy trình ở những xã làm điểm của huyện gồm: Đồng Yên, Vĩnh Hảo, Hùng An và Quang Minh, đến nay khối lượng công việc đã thực hiện đạt kết quả cao.

Sau hai năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt các địa phương ở huyện miền núi này đã có sự thay đổi rõ rệt. Không chỉ ở những thôn xã làm điểm, mà phong trào còn lan rộng khắp các thôn xóm, bản làng của Bắc Quang. Một khối lượng công việc khá lớn trên địa bàn huyện đã hoàn thành hoặc trong thời gian chuẩn bị hoàn thành. Với tổng kinh phí thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là trên 13 tỷ đồng, bằng số vốn của ngân sách nhà nước, cùng với nhân dân, doanh nghiệp đóng góp, hệ thống hạ tầng của Bắc Quang đã trở nên khang trang, sạch đẹp.

Toàn huyện đã triển khai thi công được hơn chục cây số đường bê tông. Hệ thống kênh mương cũng được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho bà con canh tác. Với số vật tư được hỗ trợ, hàng trăm hộ của các xã nằm trong Chương trình xây dựng điểm nông thôn mới đã chỉnh trang khuôn viên gia đình, xây dựng các công trình vệ sinh. Trong đó 66 hộ làm cổng, tường rào, 53 hộ làm công trình vệ sinh, 21 hộ làm bể nước, nhà tắm. Hiện nay 100% số hộ triển khai thi công xong.

Không chỉ sử dụng các nguồn vốn để chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Bắc Quang còn triển khai nguồn vốn hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất tại nhiều địa phương, trong năm, huyện đã trích 100 triệu đồng để triển khai tại xã Vĩnh Phúc, hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng cam Vinh và bưởi Diễn với diện tích 7ha ở hai thôn Vĩnh Ban và Vĩnh Xuân…

Có thể nói, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Quang đang phát huy hiệu quả to lớn, bởi ở những nơi phát triển mạnh phong trào này thì đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được nâng cấp khang trang, nhưng trên hết là sự tự giác của mỗi người dân cùng tham gia đóng góp vào chương trình. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa. Theo ông Hoàng Văn Nhiên, Phó chủ tịch xã Vĩnh Hảo, ở địa phương này, nhiều chủ trang trại tự nguyện giúp bà con trong thôn xóm kỹ thuật, giống, vốn để trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm…từ đó đẩy lùi cái nghèo, giúp nhau cùng phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Quang vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Quang Phùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thì lĩnh vực quy hoạch nông thôn mới tại các xã là một lĩnh vực mới, liên quan tới định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương giai đoạn trước mắt và lâu dài, khối lượng công việc lớn, phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ xã vẫn chưa nhận thức rõ, đúng đắn và đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên còn trông chờ, ỷ lại giao phó hoàn toàn cho đơn vị tư vấn.

Cùng với đó, công tác điều tra thu thập số liệu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài do bản đồ hiện trạng sử dụng để quy hoạch đã được thực hiện cách đây nhiều năm, nên không phù hợp với hiện trạng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thực tế tại các địa phương .

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị, trong công tác quy hoạch xã nông thôn mới, thì hiện nay khối lượng công việc lớn, phức tạp, cần thực hiện theo quy trình từng bước và có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân và các thành phần xã hội, trong khi đó các đơn vị tư vấn quy hoạch có chất lượng hiện nay thiếu nên khả năng hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100% số xã của huyện trong năm 2011 là không thể triển khai thực hiện được. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang căn cứ vào điều kiện thực tế trong quá trình triển khai quy hoạch tại các địa phương để quy định lộ trình, thời gian hoàn thành phù hợp. Bên cạnh đó,  gần 2 năm triển khai thực hiện, kiến thức, kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của đội ngũ cán bộ phụ trách còn nhiều hạn chế. Vì vậy đề nghị Ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của huyện.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phùng, hiện nay việc bố trí kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cho huyện còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét ưu tiên bổ sung tăng nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

KV
Theo báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam