Bài 10: Nhiều sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Bài 10: Nhiều sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Hà Nội triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đặt ra không ít thách thức. Nếu như năm 2010, không chỉ người dân mà rất nhiều cán bộ còn "mơ hồ" về NTM (chưa biết hình hài nó ra sao, cách thức xây dựng thế nào...), thì nay, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số xã hoàn thành xây dựng NTM. Để có được kết quả trên, Hà Nội đã có cách làm bài bản, với nhiều sáng tạo trong thực hiện.
Nông thôn rộng lớn và những đặc thù 

TP Hà Nội khi bắt tay vào xây dựng NTM (2010) có 401 xã, trong đó 83 xã có một phần nằm trong vùng phát triển đô thị; 90 xã nằm hoàn toàn trong vùng phát triển đô thị. Đầu năm 2014, khi 15 xã của huyện Từ Liêm cũ chuyển thành phường, Hà Nội còn 386 xã (chiếm 80% diện tích và 60% dân số của Thủ đô). Không có đô thị nào trong cả nước có vùng nông thôn rộng lớn như Hà Nội (TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có 58 xã). Mức sống của người dân khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, bắt tay vào xây dựng NTM, nhiều huyện chưa lập quy hoạch chung và đa phần các xã "trắng" quy hoạch. Chưa kể, diện tích sản xuất nông nghiệp rộng lớn nhưng trình độ canh tác chưa cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa vững chắc, chất lượng nông sản còn hạn chế, chưa mang tính hàng hóa. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực từ dân, các tổ chức kinh tế còn hạn chế…
 

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy lúc đó cho biết: Từ thực tiễn ở Hà Nội, việc đầu tiên khi bắt tay vào chương trình xây dựng NTM là tập trung vào công tác tuyên truyền để cán bộ và người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, cách thức xây dựng NTM… Trong khi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thường lập đề án xây dựng NTM rồi mới lập quy hoạch thì Hà Nội lại làm ngược lại, lập quy hoạch rồi mới lập đề án. Bởi nông thôn Hà Nội thuộc diện "nửa tỉnh, nửa quê" nên cách tiếp cận có khác hơn so với các vùng nông thôn khác. Đòi hỏi công tác quy hoạch phải có sự kết nối chặt chẽ giữa thành thị và nông thôn. Đến cuối năm 2012, tất cả 401 xã đều đã có quy hoạch bao gồm: Quy hoạch chi tiết khu dân cư, quy hoạch sản xuất và quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội làm cơ sở cho triển khai xây dựng NTM.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Hà Nội đã xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng NTM theo đúng quy hoạch, có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên trên tinh thần "liệu cơm gắp mắm". Đơn cử như dồn điền đổi thửa, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương. Thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định. Cùng với dồn điền đổi thửa là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí NTM. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Ban Chỉ đạo Chương trình yêu cầu các địa phương làm trước các tiêu chí không cần nhiều kinh phí. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố ưu tiên những công trình thiết yếu phục vụ sản xuất.

Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để đẩy mạnh chương trình như Quyết định số 16 về "Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội" được nhiều huyện tranh thủ làm "vốn mồi" để gọi thêm vốn xã hội hóa mà Đan Phượng là ví dụ. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, huyện đã chủ động rà soát các tuyến đường ngõ, xóm, các trục chính giao thông nội đồng, liên hệ với các đơn vị cung ứng xi măng, cát sỏi... ứng trước vật liệu cho nhân dân. Bà con đóng góp công sức, vật liệu xây dựng đường giao thông thôn xóm theo thiết kế, dự toán đã được UBND huyện phê duyệt. Với cách làm này, chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã hoàn thành trên 2.000 tuyến giao thông nông thôn và giao thông nội đồng với kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chi 50%, phần còn lại là đóng góp tự nguyện của nhân dân…

Tính đến hết tháng 9, toàn Hà Nội có 127 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2015 có 179 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46,4% tổng số xã, vượt kế hoạch đề ra 6,4%. 5 năm qua, thành phố đã huy động được kinh phí đầu tư cho NTM trên 23.000 tỷ đồng. Từ đây, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu chương trình đề ra. Cụ thể, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn. Công trình nhà văn hóa, sân vận động, trung tâm thể thao từ thôn, xã đến huyện được đầu tư xây dựng khang trang... 

Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28,6 triệu đồng/người, tăng 14,6 triệu đồng (vượt 3,6 triệu đồng so với mục tiêu đề ra đến năm 2015); nông thôn không còn nhà dột nát, số nhà kiên cố và khang trang tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 2,89% cuối năm 2014. Kinh tế nông thôn phát triển. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất được quan tâm, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ngày càng tăng.