Bài 3: Xây dựng nông thôn mới là động lực phát triển

Bài 3: Xây dựng nông thôn mới là động lực phát triển
Để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa khu vực miền núi với vùng đồng bằng và đô thị, Hà Nội đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật... Thực hiện mục tiêu này đòi hỏi các cấp, các ngành cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào khu vực miền núi, trực tiếp đưa chiếc "cần câu" để người dân từng bước nâng cao đời sống.
Lồng ghép các chương trình, thu hút đầu tư 

Thành phố Hà Nội đã xác định đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8%... Theo Kế hoạch 166/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2013-2015, thành phố sẽ dành kinh phí lớn, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi, đồng bằng và thành thị.
 
 
Người Dao Ba Vì thu hái thuốc nam. Ảnh: Quốc Ân
Người Dao Ba Vì thu hái thuốc nam. Ảnh: Quốc Ân

Trong Nghị quyết số 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2011-2015, Thành ủy Hà Nội đã đặt ra giải pháp quan trọng là "thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, trong đó chú trọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, có tiềm năng phát triển du lịch; tránh đầu tư dàn trải; ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực sản xuất gắn với vùng có nhiều tiềm năng về nguyên liệu, lao động". Thực hiện chủ trương lớn này, các địa phương đã tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tận dụng thế mạnh sẵn có về du lịch, dịch vụ ở khu vực miền núi. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, các xã miền núi huyện Ba Vì rất có thế mạnh trong khai thác, phát triển du lịch. Khu vực này đang có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm nổi bật, hoạt động hiệu quả, đã góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, để thu hút nhiều du khách, cần tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ du lịch phát triển, từ đó thu hút lao động, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân trong vùng ổn định cuộc sống. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh việc dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành, mặc dù trong năm 2013, toàn xã đã mở được 11 lớp đào tạo nghề cho gần 400 lao động học các nghề thú y, may công nghiệp nhưng việc bố trí việc làm ổn định sau học nghề là quá sức đối với cấp xã hiện nay. "Vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người lao động, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành thì người lao động sau học nghề mới được bảo đảm việc làm ổn định" - ông Thành kiến nghị.

Tạo "cần câu" cho người dân

Một vấn đề được chính quyền và nhân dân các xã miền núi đang rất quan tâm và kỳ vọng là chương trình xây dựng NTM, coi đây như động lực lớn để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Thực tế, các xã miền núi đều có xuất phát điểm rất thấp, 7 xã thuộc huyện Ba Vì đến nay mới đạt 7-10 tiêu chí; 2 xã thuộc huyện Quốc Oai đạt 8-11 tiêu chí; xã An Phú, huyện Mỹ Đức, đạt 8 tiêu chí, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ đạt 5 tiêu chí. Vì vậy việc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM và bắt kịp với sự phát triển của khu vực nông thôn của các xã này còn rất gian nan. Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Văn Trường nhận định, với địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, việc nâng cao mức sống, trong đó có nâng cao thu nhập là việc làm nan giải nhất (thu nhập bình quân của người dân Khánh Thượng hiện mới đạt 11,3 triệu đồng/năm). Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, chính quyền địa phương cần tùy theo tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác, đem đến cho người nông dân miền núi "chiếc cần câu" để nâng cao mức sống ngay tại địa phương. Cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đẩy mạnh kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng; phát triển lâm nghiệp toàn diện từ khâu quy hoạch, quản lý, trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng tới bảo vệ môi trường mới cho hiệu quả. 

Đối với xã Ba Vì, theo Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Hà, địa giới hành chính của xã rộng hơn 2.000ha nhưng thực chất xã chỉ quản lý 300ha, diện tích còn lại thuộc Vườn quốc gia Ba Vì nên người dân thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, mấu chốt ở đây không phải ở diện tích canh tác nhiều hay ít mà ở chỗ hướng dẫn người dân biết chọn cây trồng gì, nuôi con gì cho hiệu quả cao. Đối với xã Ba Vì, thay vì trồng sắn và dong riềng thu nhập thấp, chính quyền nên hỗ trợ người dân tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất như chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, trồng nấm... nâng cao giá trị canh tác. Đặc biệt, với các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch như xã Ba Vì, huyện Ba Vì, cần đẩy nhanh đề án xây dựng Làng Văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng, từ đó đồng bào có điều kiện giao lưu, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, phát triển dịch vụ để nâng cao thu nhập.