Bài cuối: Đưa rau an toàn lên... “sàn”

Bài cuối: Đưa rau an toàn lên... “sàn”
Trong lúc người nông dân ra sức sản xuất, cơ quan quản lý đẩy mạnh diện tích gieo trồng theo kế hoạch, rau an toàn (RAT) đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn, đã có lúc những người trồng RAT "oải" khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm

Đã có ý tưởng tìm thị trường cho RAT bằng cách đưa sản phẩm này lên... sàn giao dịch.

Tăng diện tích gieo trồng, bao tiêu sản phẩm RAT

Mục tiêu phấn đấu của Sở NNPTNT Hà Nội là đến hết năm 2012, diện tích trồng RAT sẽ tăng lên là 3.800ha phân bổ tại 93 xã trọng điểm của thành phố. Ngoài các vùng RAT đã hoạt động tốt như Văn Đức, dự kiến phát triển thêm 2 vùng mới là Duyên Hà (Thanh Trì) và Thanh Đa (Phúc Thọ). Duy trì quản lý chỉ đạo 115ha RAT theo VietGAP, mở mới 10ha nâng diện tích RAT theo VietGAP lên 125ha.

Rau sạch sẽ được lên sàn giao dịch. Ảnh: T.L
Rau sạch sẽ được lên sàn giao dịch. Ảnh: T.L

Cuối năm 2011, Sở NNPTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội thực hiện thí điểm gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT Hà Nội, bước đầu thực hiện tại xã Văn Đức – Gia Lâm với diện tích 250ha. Sản phẩm RAT được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và đưa đi các tỉnh. Dự kiến trong năm 2012, Chi cục BVTV sẽ nhân rộng hoạt động gắn nhãn nhận diện ra các vùng RAT khác trên địa bàn thành phố.

Nói về vấn đề gắn nhãn nhận diện, ông Nguyễn Hồng Anh - Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội - cho biết: “Nếu RAT không được gắn nhãn nhận diện thì NTD cũng không biết được đó là rau sản xuất theo quy trình an toàn, vì vậy việc tăng cường gắn nhãn là cần thiết. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp hướng tới gắn nhãn nhận diện cho sản phẩm bán lẻ” và sau khi đã thẩm định sẽ cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất RAT, từ giấy chứng nhận nguồn cung cấp, đăng ký kinh doanh mặt hàng RAT, người kinh doanh sẽ nộp hồ sơ lên Sở Công Thương để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT. Để hạn chế thủ tục, sớm đưa RAT ra thị trường, nên chăng ngành nông nghiệp sẽ quản lý từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

TPHCM và các nhà phân phối đã và đang thực hiện một số biện pháp tăng diện tích gieo trồng RAT, phổ biến cải tiến kỹ thuật, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm, giúp người nông dân an tâm sản xuất. Năm 2011, UBND TPHCM đã phê duyệt chương trình mục tiêu, phát triển RAT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011– 2015.

Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2015, diện tích gieo trồng rau tại TPHCM đạt 15.000 ha, năng suất đạt 25 tấn/ha, sản lượng đạt 375.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm. Trong số này, trên 90% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất RAT tập trung đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả an toàn phù hợp VietGAP... 

Mục tiêu chung của chương trình này là mở rộng diện tích gieo trồng RAT, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch; phát triển nông nghiệp TPHCM theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại;  phát triển RAT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện đời sống nông dân.

Đưa rau tiếp cận gần người tiêu dùng hơn nữa

Nếu thuê mặt bằng chỉ để kinh doanh RAT thì có thể thấy rất khó điểm kinh doanh nào đem lại lợi nhuận nếu không được hỗ trợ. Trước tình hình đó, ngày 26.12.2011, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TPHN với mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất RAT tập trung bình quân không quá 250 triệu đồng/ha.

Đối với vùng sản xuất RAT điểm của thành phố mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/ha. Sở Công Thương xây dựng chợ đầu mối về tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố, chỉ đạo bố trí hệ thống bán lẻ RAT ở khu vực nội thành. TCty Thương mại Hà Nội bố trí 80 – 90 điểm bán RAT trong hệ thống bán lẻ của TCty. UBND các quận, huyện, thị xã bố trí ít nhất từ 10 – 12 điểm bán RAT/quận và từ 3 – 4 điểm bán RAT/huyện, thị xã.

Để tiếp cận với NTD hơn nữa, Chi cục BVTV TP.Hà Nội đã tiếp nhận đề xuất của một số DN trong việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT tại các trường học, khu chung cư. Trước bức thiết của việc đưa RAT ra thị trường, Sở NNPTNT đã cho thành lập sàn giao dịch bán buôn nông sản an toàn. Tham gia vào sàn giao dịch có 28 đơn vị, cơ sở rau, quả, chè an toàn. Các thông tin về sản phẩm của mô hình sản xuất RAT được giao dịch tại sàn bán buôn trực tuyến (website sanbanbuon.vn) và trung tâm giao dịch bán buôn tại địa chỉ 123 Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Hà Nội.

Nói về việc triển khai mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: ”Hiện nay các quận, huyện, thị xã đã nhận được quyết định của UBND TP.Hà Nội và đang xây dựng kế hoạch để mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT tại địa phương. Một số DN đang áp dụng hình thức cung cấp RAT qua điện thoại sẽ mở rộng mạng lưới hơn nữa trong năm 2012”.

Năm 2012, TPHCM đẩy mạnh tiến độ triển khai hoàn thành dự án Trung tâm Giao dịch - Triển lãm nông sản thành phố. TPHCM đã ký kết hợp tác với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn. Cuối năm 2011, TPHCM và tỉnh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn.

Theo đó, hai bên phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên sản phẩm trồng trọt theo “chuỗi rau, quả an toàn” từ sản xuất đến lưu thông, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau quả đảm bảo tiêu chí tham gia “chuỗi rau, quả an toàn”. Theo văn bản ký kết, Liên hiệp HTX thương mại TPHCM sẽ tạo điều kiện ưu tiên đưa các sản phẩm rau, quả an toàn, rau VietGAP vào hệ thống Saigon Co.op để NTD có thể mua những sản phẩm rau, quả an toàn.

Để rau sạch ra chợ, một số HTX nông nghiệp đã tổ chức đưa ban quản lý và tiểu thương các chợ như Bến Thành, Vườn Chuối, Bình Tây... đến tham quan vùng trồng rau ở Hóc Môn và Củ Chi. Tại đây, tiểu thương được giới thiệu về quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rau theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP. Sau chuyến đi, ban quản lý đã vận động bà con tiểu thương nên bán thử rau sạch và kết quả rất khả quan.

Xuân Long – Mộng Thoa