Bản Ké hồi sinh trên sườn núi

Bản Ké hồi sinh trên sườn núi
Tấm biển chào "Làng văn hóa quốc phòng" trang nghiêm ngay đầu dốc vào bản Ké (xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc) soi bóng xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình như lời tri ân mảnh đất ngàn đời, cách bản mới 3 km, giờ đang chìm sâu dưới lòng hồ cho nguồn điện tỏa sáng. Bản Ké ngày nay được hồi sinh bởi bao công sức dời làng, bạt núi của bà con dân bản cùng những chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Ðà Bắc, tỉnh Hòa Bình chung tay xây dựng nông thôn mới.

Cheo leo triền dốc

Con đường đến với huyện vùng cao Ðà Bắc, tỉnh Hòa Bình quanh co, khúc khuỷu tạo ấn tượng cho du khách bởi "dốc và dốc". "Con ngựa sắt" chở chúng tôi gầm gừ vượt dốc Cha, lên tới đỉnh Chương dường như đã kiệt sức. Ở thành phố Hòa Bình nắng là vậy mà trên đỉnh Chương lại mịt mờ mây phủ. Nghỉ chờ cho xe mát máy, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình về với bản Ké, xã Hiền Lương. Cách trung tâm thị trấn chừng 8 km, bản Ké heo hút nơi đầu dốc. Ðón chúng tôi với nụ cười thật hiền và cái xiết tay "tưởng chừng như chết điếng" bởi sức mạnh bạt núi, dựng nhà của chàng trai bản Ké - Quách Như Sơn, nay đã là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hiền Lương. Những tình cảm chân thành của bà con bản Ké như đậm đà hơn trong chén rượu "mờng khéch" (mừng khách). Chao ôi! Giữa đại ngàn mây phủ, trước mênh mông biển hồ, được nhấm nháp chén rượu ngô nồng nàn hương đất, đượm đà vị mồ hôi của bà con dân bản tảo tần lật từng phiến đá trồng tỉa mới thấy ý nghĩa làm vậy. Trưởng bản Nguyễn Văn Ðệ tâm đắc: "Ngô trên sườn núi Biều mà nấu với nước nguồn từ mó (suối) Ðồi nước mọc thì khó có nơi nào sánh kịp. Nhớ cái dạo dời bản lên đây, nhường đất cho lòng hồ thủy điện, tìm được mó nước đầu nguồn là bà con yên cái dạ lắm rồi". 357 nhân khẩu của bản Ké giờ đã ổn định làm ăn nơi sườn dốc núi Biều, yên tâm xây dựng quê hương mới.

Làng văn hóa quốc phòng bản Ké

Trong tiếng cồng chiêng ngân nga lay động núi rừng, chị Ðinh Hải Luyến, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Ké, vui vẻ nói: "Bản Ké giờ vui lắm, no cái bụng, ấm cái chăn, làng bản giờ rộn ràng tiếng chiêng. Mấy năm trước thôi cả bản chỉ còn một, hai cái chiêng. Nay được bộ đội chỉ bảo, bà con đã tìm về khôi phục dàn cồng chiêng. Từ nay, nét văn hóa truyền đời của tổ tiên được lưu giữ, bà con không còn sợ cái tiếng đánh mất lời núi rừng nữa rồi. Hơn nữa, bản đã có đội văn nghệ, tuần nào cũng sinh hoạt, vui đáo để". Theo Trưởng thôn Ðệ thì bản Ké dài tới 6 km với 84 hộ gia đình, hầu hết đã xây nhà kiên cố, nhưng vẫn còn lưu giữ được 20 nếp nhà sàn, tuy có khác xưa, cột nhà sàn nay đã được thay bằng bê-tông cốt thép để không phải phá rừng đầu nguồn.  Hiện cả bản 100% số hộ có xe máy, ti-vi và chiếc điện thoại di động giờ không còn lạ lẫm nữa, ai cũng có thể sử dụng được.

Dẫn chúng tôi ngược dốc trên con đường "bộ đội" dài hơn 400 m, anh Ðệ chia sẻ: "Năm 2012 bộ đội về cùng bà con đổ bê-tông con đường này nên nhiều người còn gọi nó là con đường bộ đội. Các anh, các chú ấy về với bản, bà con vui lắm, cả bản đều hiểu rằng phải góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Các cháu đến tuổi trưởng thành thì tham gia khám tuyển, nhập ngũ, không có trường hợp nào bỏ, đảo ngũ. Các cháu đã hoàn thành nghĩa vụ thì tham gia công tác xã, bản, vào dân quân, tham gia lực lượng dự bị động viên. Cách thức sinh hoạt của bà con giờ đã văn minh hơn rất nhiều. Nước sinh hoạt được dẫn từ khe suối Ké trên núi Biều về đến tận bể của các hộ gia đình thông qua hơn 3 km đường ống. Không còn cảnh người trên, trâu bò dưới (người sinh hoạt trên nhà sàn, dưới nuôi nhốt trâu, bò) nữa rồi. Năm 2013, bản phấn đấu có 80% số hộ gia đình xây nhà vệ sinh đạt chuẩn. Cả bản sống nhờ vào nương rẫy cùng trên 200 ha rừng trồng, 400 ha rừng tự nhiên và có 30 hộ khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Ngoài ra, bà con dân bản còn tập trung phát triển chăn nuôi với đàn gia súc hơn 400 con, đàn gia cầm 2.000 con. Cái giàu thì chưa dám nghĩ tới, nhưng cái nghèo thì vẫn còn đó, bà con chúng tôi phấn đấu trong năm nay sẽ giảm được một nửa số hộ nghèo. 32 hộ nghèo đang rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, sự giúp sức vượt khó của các cấp, các ngành...".

Trước giờ chia tay, bên chén rượu "chồm màn" (xuống cầu thang), tiếng cồng chiêng lại ngân lên giai điệu Tây Bắc với lời ca dặt dìu: "Mời anh về Ðà Bắc thăm chiến khu vùng cao hôm nay, với đồi núi quanh co, đường ngược xuôi vui đất lòng hồ, vui đêm cồng chiêng,...". Tiếng cồng chiêng ngân lên giữa đại ngàn như làm say đắm thêm lòng người, như lời gọi mời về với bản Ké để được chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất sườn non.

 

BÀI VÀ ẢNH: ÐÀM TUẤN ÐẠT
Theo nhandan.org.vn