Bàn về Tiêu chí văn hoá nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới, trong đó, thực hiện tiêu chí về văn hoá nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nông dân Việt Nam, là “phần hồn” của nông thôn mới . Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chương trình, tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đặt ra những vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, giải quyết.

Những kết quả bước đầu

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2015 về phát triển văn hoá nông thôn nêu rõ: Hiện cả nước có 6.098/11.161 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá, thể dục, thể thao, chiếm tỷ lệ 54,6%, trong đó có 30% đạt tiêu chí của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch; có 29.402 sân thể thao phổ thông, 1.311 phòng tập hoặc nhà tập, 510 hồ bơi hoặc bể bơi, 37.760 sân tập từng môn được đưa vào sử dụng; có 68.470/118.200 thôn, làng, ấp, bản có nhà văn hoá, khu thể thao thôn, đạt tỷ lệ khoảng 57,9%, trong đó có 47% đạt tiêu chí của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. 

Nhìn chung, các thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn cả nước sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi mới chuyển đổi cơ chế, nay đã đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân được nâng lên. Gắn kết cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” càng trở nên thiết thực trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh -  quốc phòng.

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014. Trong số đó, có khoảng 2/3 số gia đình văn hoá ở nông thôn. Qua phong trào này đã khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư, trong mỗi thôn, khu vực, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, ý thức tự giác, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau làm giàu chính đáng trong cộng đồng dân cư. Trong việc thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, bản, ấp văn hoá” đã góp phần thực hiện tốt 5 tiêu chuẩn trong phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”. Tại các địa phương, những thôn, xóm, bản, ấp gia đình được công nhận văn hoá, người dân có ý thức, có trách nhiệm hơn với chính cộng đồng, với chính danh hiệu đã đạt được.

 
                           Những Nhà văn hóa khang trang, hiện đại   
 
                     Hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng sôi nổi  
 
                 Đưa dịch vụ Internet công cộng đến từng xã, từng thôn  

Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở

 Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo NTM Trung ương: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hoá nông thôn chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Nhiều thiết chế văn hoá xây dựng “hoành tráng” nhưng vẫn còn nợ, ví dụ như: Miếu Quan Quận ở xã Thạch Hạ (TP.Hà Tĩnh) có mức đầu tư 60 tỷ đồng; hay xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 12/2013, song đến cuối năm 2015 còn nợ gần 20 tỷ đồng tiền xây dựng công trình cơ bản. Nhiều công trình được xây dựng quá hình thức và lãng phí, chạy theo phong trào. Điển hình là một số trung tâm văn hoá, thể thao xã, nhà văn hoá, khu thể thao thôn xây xong, nhưng để không vì không có kinh phí, không có giáo viên, không có người đến học tập, sinh hoạt…

Gần đây, chúng ta còn nghe nhiều hơn tới những công trình “vĩ đại”, tiêu tốn nhiều tiền của nhưng hiệu năng chưa tương xứng.

Một số địa phương chạy theo thành tích, theo phong trào nên chất lượng công nhận và giữ vững các mô hình văn hoá thiếu bền vững, hiệu quả thực hiện chưa cao, không thực chất. Tình trạng gia đình đạt chuẩn văn hóa, nhưng vẫn còn bạo hành gia đình, nghiện ma túy, cãi vã, đánh bạc gây mất trật tự an ninh vẫn còn xảy ra.

Một lãnh đạo huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết: Chất lượng, chiều sâu các phong trào, các danh hiệu văn hóa chưa cao, cụ thể như: Một số thôn, một số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa nhưng chưa trở thành hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào.  Việc huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng các công trình phụ trợ (bồn hoa, nhà xe, bàn ghế, khánh tiết...) ở nhà văn hóa thôn còn hạn chế, một phần vì đời sống của nhân dân đang gặp khó khăn. Tình trạng nhiều nơi vẫn còn bạo lực gia đình, lao động trẻ bỏ quê đi làm việc khác có thu nhập cao hơn, không muốn làm nông nghiệp và xây dựng văn hoá nông thôn...

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đánh giá: Ban Chỉ đạo một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến thực hiện tiêu chí xây dựng văn hoá nông thôn mới; chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, còn có biểu hiện khoán cho các cơ quan chức năng. Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào ở các địa phương còn ít so với yêu cầu thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương còn yếu, chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác, chưa thay đổi được nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhận thức về quyền lợi của người dân sẽ được hưởng khi triển khai xây dựng văn hoá nông thôn mới. Còn có biểu hiện chạy theo thành tích, “háo danh” các danh hiệu văn hóa, chưa tạo động lực thúc đẩy thực hiện phong trào ở địa phương.

Cũng theo lãnh đạo Cục VHCS, xây dựng nông thôn mới, tất cả bê tông hoá cả thì cái “hồn cốt” văn hoá Việt đang ở đâu? Đây là vấn đề khó bởi nông thôn Việt Nam từ bao đời nay đã thấm đậm chất tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, có niềm vui mọi người cùng hưởng nay kín cổng cao tường nhà nào biết nhà ấy. Nông thôn hiện nay đa số chỉ còn người già và trẻ em ở nhà. Văn hoá lai căng du nhập từ nhiều nguồn, hương ước làng xã đang bị xem nhẹ…Trung tâm văn hoá xây “hoành tráng” nhưng không có người và thậm chí không hoạt động đúng nghĩa của nó.

Một số chuyên gia băn khoăn: cái cốt lõi của văn hóa là quan hệ giữa người với người thì đang dần nghèo đi và có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt. Trong hầu hết mối quan hệ, tình người dường như bé dần đi, nhường chỗ cho những toan tính thực dụng. Những giá trị truyền thống, những nhân tố làm nên bản sắc và sức mạnh của văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Văn hóa là lĩnh vực rộng, không chỉ có hoạt động vui chơi, giải trí mà còn là xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, cốt cách của nông dân Việt, đẩy lùi tệ nạn, hủ tục xã hội…

Lý do trước đây thúc bách chúng ta làm NTM là vì nông thôn nghèo, đời sống tinh thần còn nghèo hơn nên thanh niên chỉ muốn bỏ làng ra phố. Vì vậy yêu cầu của NTM là: có kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, hoạt động văn nghệ thể thao sôi nổi, có nhiều hơn hạ tầng, phương tiện và hoạt động giải trí để người lao động, nhất là thanh niên có nhiều cơ hội việc làm hơn. Người ở quê sẽ yêu và gắn bó hơn với quê hương… Tuy nhiên hiện tại thì chúng ta chưa quan tâm đúng tầm nên chưa tạo ra chuyển động đáng kể. Ví dụ về nhà văn hóa, khu thể thao thôn: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định diện tích cũng nhỏ, 500-1000m2 thôi nhưng lãnh đạo địa phương kêu khó vì “khó tìm được đất”. Tuy theo báo cáo là có gần 60% thôn bản ấp có nhà văn hóa nhưng đa phần là thiếu trang thiết bị, hoạt động chủ yếu là phục vụ cho họp hành. Kiến trúc không có cơ quan nào hướng dẫn, quy định để đảm bảo công năng đáp ứng được yêu cầu hoạt động văn hóa ở nông thôn: hội họp, văn nghệ, học tập cộng đồng, thư viện, có chỗ chơi thể thao các môn thể thao nhẹ (bóng bàn, cờ tướng…), khuôn viên để người dân ngồi nghỉ, dạo chơi…, lại cũng không có người có chuyên môn hướng dẫn hoạt động, thiếu kinh phí (kể cả vận động dân đóng quỹ) để duy trì hoạt động. Do đó phần đông là hoạt động èo uột, kém hiệu quả. Vì thế có thể nói “phần hồn” của NTM là còn khiêm tốn, chưa đạt được so với yêu cầu đề ra.

Theo nongthonmoi.gov.vn