Cần có sự đột phá trong chiến lược giảm nghèo
- Thứ sáu - 01/06/2012 08:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân xã A-vao, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị trồng lúa theo mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam. Ảnh: Phương Linh |
Người nghèo đã bớt nghèo
Báo cáo của Oxfam và AAV tóm tắt những kết quả của Báo cáo tổng hợp "Theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia tại một số cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam, 2007-2011". Đây là một dự án được triển khai từ năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 5 năm (2007-2011) là giai đoạn đầy khó khăn với công cuộc giảm nghèo của Việt Nam do lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh... đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù vậy, tỷ lệ nghèo (theo thu nhập) trong giai đoạn này tiếp tục giảm. Những đầu tư lớn của Chính phủ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận tốt hơn với cơ sở hạ tầng, cơ hội kinh tế, công việc phi nông nghiệp, giáo dục, y tế, vay vốn, khuyến nông lâm và nhà ở. 55% số hộ gia đình trong nghiên cứu này cảm nhận rằng, đời sống của họ “tốt hơn” trong 5 năm qua.
Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực bản thân, nông dân Việt Nam đã áp dụng thành công nhiều biện pháp để thoát nghèo như đa dạng hóa chiến lược phân công lao động, sản xuất hàng hóa theo hướng đa dạng hóa, thâm canh và phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích đất sản xuất… Đời sống người dân ngày một cải thiện, số hộ gia đình có vô tuyến, điện thoại cố định tăng lên rõ rệt. Về giáo dục, học sinh đến trường ngày càng thuận lợi hơn do đường sá và cơ sở vật chất trường học trong năm qua được cải thiện. Các xã được khảo sát đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng kiên cố, một số trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Về y tế, ở hầu hết các địa bàn đều có nhân viên y tế, bác sĩ, cộng tác viên dinh dưỡng, cộng tác viên dân số và mạng lưới y tế thôn. Tỷ lệ người hài lòng với dịch vụ y tế tăng lên, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, chủ yếu do người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ trả lời “không hài lòng” giảm từ 16% năm 2007 còn 6% năm 2011…
Vẫn còn nhiều thách thức cũ và mới
Báo cáo cũng cho rằng, mặc dù có những tiến bộ rõ rệt trong giảm nghèo nhưng thách thức giảm nghèo vẫn tồn tại. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp người dân thoát nghèo, nhưng vẫn còn người thiếu lương thực, nhiều gia đình vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch… Những người sống ở mức cận nghèo dễ bị tái nghèo do lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh; Các chương trình an sinh xã hội bao phủ chưa đủ, mức hỗ trợ còn thấp so với chi phí cuộc sống và nhiều khi chưa đúng đối tượng; người di cư ra đô thị gặp phải khó khăn khi tiếp cận dịch vụ cơ bản và rủi ro do việc làm không ổn định… Đây cũng chính là các rủi ro cả cũ và mới và là thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Để đảm bảo nghèo bền vững, Oxfam và AAV khuyến nghị cần có cách hiểu rộng hơn về nghèo, vì nghèo có tính chất đa chiều và nguyên nhân nghèo thường đa dạng và phức tạp. Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất thảo luận nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững ở các vùng nông thôn Việt Nam, nhất là các vùng miền núi dân tộc thiểu số như: Chính phủ cần thiết kế những chính sách giảm nghèo cũng như các chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn với chiến lược, phương pháp tiếp cận phù hợp và mở rộng cho các nhóm nghèo khác nhau. “Để hỗ trợ nông dân, cần đổi mới dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là ở vùng miền núi dân tộc thiểu số, tăng cường việc áp dụng các phương pháp đào tạo có sự tham gia và thực hành tại đồng ruộng; cần đầu tư vào các dự án hướng tới cải thiện và thay đổi mô hình sinh kế của người nghèo, đặc biệt là các mô hình đầu tư chi phí thấp, phù hợp với điều kiện và chiến lược thoát nghèo của nam giới và phụ nữ, và người nghèo dân tộc thiểu số”, báo cáo nhấn mạnh.
BÌNH NGUYÊN
Nguồn: qdnd.vn
Nguồn: qdnd.vn