Bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin của doanh nghiệp khởi nghiệp
- Thứ sáu - 23/02/2018 07:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 5 năm qua, có 380 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, cao so với mục tiêu là 350 nghìn doanh nghiệp do Chính phủ đề ra. Hiện nay, khối này đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm. Theo đánh giá của các chuyên gia thì khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Song, qua theo dõi cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất khó khăn trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, khoa học - công nghệ, năng lực tài chính và quy mô đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư... Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần, trong đó không ít trường hợp thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…). Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, đó là nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Ðồng thời, đây có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực trạng nêu trên đòi hỏi Nhà nước phải chung tay, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện những giải pháp thiết thực, hỗ trợ đến mức cao nhất khả năng tiếp cận thông tin. Trước hết, cần bảo đảm sự kịp thời, đầy đủ các chính sách, pháp luật về hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Ðiều này hết sức cần thiết đối với việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp khởi nghiệp. Một hệ thống chính sách, pháp luật rõ ràng, đầy đủ, minh bạch chính là cơ sở, tiền đề pháp lý vững vàng cho mọi loại hình doanh nghiệp có thể bước vào thị trường. Trên cơ sở các quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và tạo lập đầy đủ cơ chế bảo đảm thực thi các quy định đó trên thực tế. Tiếp đến, cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin pháp lý theo hướng tạo sự chủ động cho doanh nghiệp (Ðiều 25, Luật Tiếp cận thông tin quy định hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu gồm: Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; và qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax). Ðể thực hiện tốt các cách thức cung cấp thông tin như quy định hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp cụ thể hơn, chú trọng đến việc nâng cao các dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiện nay. Ngoài các hình thức tư vấn trực tiếp, có thể cân nhắc xây dựng mô hình tư vấn online (qua mạng). Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Ở nhiều quốc gia, một khuôn pháp lý tiếp cận thông tin hiệu quả phải ưu tiên bảo đảm lợi ích chung, theo đó thông tin phải được công bố ngay cả khi có thể gây thiệt hại cho lợi ích của cá nhân hay nhóm. Ðương nhiên, Nhà nước phải quy định cụ thể những trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước mà các tổ chức, cá nhân không được quyền tiếp cận hoặc nếu được quyền tiếp cận thì bắt buộc phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt đã được pháp luật quy định. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, bố trí nguồn lực phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiếp cận pháp luật là nhu cầu không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi đối tượng, do đó mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức cần chủ động bố trí, đầu tư để nâng cao chất lượng cung cấp thông tin của địa phương, cơ quan mình. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận thông tin liên quan đến loại hình doanh nghiệp của mình một cách dễ dàng và thuận tiện. Hệ thống cung cấp thông tin càng đơn giản và thuận tiện thì việc tiếp nhận thông tin, thỏa mãn nhu cầu được thông tin của người dân, doanh nghiệp càng nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm chi phí phát sinh không cần thiết. Tiến sĩ HỒ QUANG HUY (Bộ Tư pháp) |