Báo động tình trạng xuống cấp đường giao thông ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Thanh Hóa

Báo động tình trạng xuống cấp đường giao thông ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Thanh Hóa
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhiều địa phương đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, tiêu chí giao thông đòi hỏi huy động nguồn vốn lớn để thực hiện. Tuy nhiên, việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông ở các xã đạt chuẩn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Về đích NTM năm 2014, xã Hạnh Phúc (Thọ Xuân) đã huy động hơn 77 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đã cứng hóa được 31,963 km đường giao thông liên xã, thôn và giao thông nội đồng. Thế nhưng chỉ sau một năm, đường bê tông thôn 4, xã Hạnh Phúc đoạn từ đường tỉnh 515 đến đê hữu sông Chu đã bị hư hỏng. Mặt đường bong hết lớp xi măng, trơ ra lớp đá cấp phối lởm chởm, việc đi lại hết sức khó khăn. Có đoạn, bê tông bong tróc tạo thành ổ gà, người dân đã phải dùng đất đá đắp lên đường để đi tạm. Theo người dân nơi đây, việc đoạn đường bê tông này xuống cấp, hư hỏng nguyên nhân chủ yếu do xe ô tô chở hàng hóa quá tải. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Hạnh Phúc, cho biết: Để hạn chế tình trạng xuống cấp của các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, xã đã cho lắp khung tải trọng hạn chế các loại xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng và nông sản quá tải đi vào gây hư hỏng đường. Lâu nay, địa phương không có kinh phí để thực hiện duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, chủ yếu là nhân dân tự bỏ tiền khắc phục một số điểm hư hỏng, xuống cấp. 

 
Xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo chuẩn NTM, như: hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với hơn 30 km, kiên cố 15 km kênh nội đồng; xây lắp hàng trăm ống cống tưới tiêu, nạo vét một số kênh mương tưới tiêu của xã, đồng thời, đầu tư nâng cấp, tu bổ nhiều hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; xây dựng nhà văn hóa,  trạm y tế...; với tổng nguồn vốn huy động XDNTM trên địa bàn xã trên 115 tỷ đồng. Tháng 12-2015, xã Hoằng Ngọc hoàn thành các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông nông thôn ở xóm Tây Chùa hư hỏng, xuống cấp; người dân phải đắp đất, gia cố để đi lại. Vào mùa thu hoạch lúa, người dân nhiều thôn trong xã phải vận chuyển lúa đi qua tuyến đường chính của thôn Tây Chùa. Anh Lê Trung Nguyệt, xóm Tây Chùa, cho biết: đây là con đường chính của xóm, mặc dù xuống cấp từ lâu, nhưng địa phương không đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND xã chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Quyết định 372/QĐ-TTg ngày 14-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ, xã về đích NTM được xét và công nhận lại sau 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc xã nào không giữ vững được kết quả sẽ loại khỏi danh sách đạt chuẩn. Để khắc phục tình trạng xuống cấp của các tuyến đường giao thông, cần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn. UBND các huyện, xã tăng cường công tác quản lý quy hoạch phát triển giao thông nông thôn gắn với XDNTM; duy trì các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế hoạt động của xe ô tô quá tải...

Tác giả bài viết: Hải Đăng

Nguồn tin: baothanhhoa.vn