Bao giờ có "nông dân đô thị"?

Bao giờ có "nông dân đô thị"?
Hiện nay trong số lực lượng lao động nông nghiệp ở TP.HCM, không ít nông dân có tư duy kinh tế, tay nghề kỹ thuật cao, năng lực thích nghi thị trường tốt, nhưng đi tìm một “nông dân đô thị” đúng nghĩa lúc này không dễ…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lực lượng lao động nông nghiệp thành phố đang già cỗi. Trong khi đó, với một tâm thế “dựa lưng vào tường” khi thành phố ngày càng đô thị hóa nhanh, nông nghiệp thành phố phải chuyển mình nhanh chóng và tạo ra một lực lượng ND mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đụng trần

Quá trình chuyển biến của nông nghiệp và nông thôn thành phố theo hướng phát triển công nghiệp nông thôn, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp phù hợp với không gian đô thị. Theo ông Trần Văn Thành - nguyên Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, hình ảnh đầu tiên ghi nhận ND thành phố làm nông nghiệp đô thị qua việc chuyển hướng sang sản xuất các loại rau sạch, rau an toàn, rau mầm, hoa lan, cây cảnh, nuôi cá cảnh của ND các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, 12, Thủ Đức… Đặc biệt, việc phát triển trồng lan và cây rau mầm của ND cacác quận Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, 9, 2, 12... là loại hình sản xuất không cần đất, sử dụng nước sạch, giống sạch, công cụ sạch... rất phù hợp với môi trường dân cư đô thị phát triển.

Nhiều hộ trồng lan ở TP.HCM thu nhập vài tỷ đồng/năm nhưng chưa ai dám tự nhận là “nông dân đô thị”. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Tuy nhiên, nói như ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, những thành quả vừa đạt được khiến ND tự bằng lòng với chính mình. Những đòi hỏi của một nền nông nghiệp đô thị cần một lực lượng ND đô thị phải vượt qua tầm hiện có. Thế nhưng, ND thành phố, thậm chí những “đại gia” trong nông nghiệp hiện nay, vẫn chưa xứng tầm với danh xưng “nông dân đô thị”. 

Ông Sơn cho rằng, ND đô thị không chỉ làm mỗi việc sản xuất mà phải biết tạo ra thị trường, phải làm được chuỗi sản xuất hoàn thiện theo hướng sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, phải quyết định được giá cả cho đầu ra và đầu vào… Nếu không làm được điều này và trước đòi hỏi cao của sự cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong những năm tới, ND thành phố chỉ có… chết!

Chia sẻ điều này, ông Mai Quốc Thái – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TP.HCM cho rằng, cái chính là ND thành phố vẫn còn tâm lý e ngại khả năng bản thân và nhận thấy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khá bấp bênh. Ngay bản thân ông Thái – người có đến 2 trang trại lan với nhiều hécta, cho đến giờ vẫn không chịu làm… doanh nghiệp. Mới đây, trong cuộc họp của các “đại gia” trồng lan của thành phố để bàn kế hoạch phát triển, có người thu nhập vài tỷ đồng/năm, nhưng khi phóng viên Báo NTNN hỏi có ai đạt tầm “ND đô thị”, nhiều người lắc đầu”.

Đổi mới

ND đô thị không chỉ làm mỗi việc sản xuất mà phải biết tạo ra thị trường, phải làm được chuỗi sản xuất hoàn thiện theo hướng sản xuất hàng hóa, phải quyết định được giá cả cho đầu ra và đầu vào… 
 
Theo một số cán bộ ngành nông nghiệp thành phố, trong số hơn 30.000 ND SXKD giỏi thành phố hiện nay có 5-10% ngấp nghé “ND đô thị”. Có thể nói, lớp ND này ngày càng được tri thức hóa. Sản phẩm họ làm ra có hàm lượng chất xám cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường… Nếu biết phát triển thành phần ND nòng cốt này thì thành phố sẽ sớm có được lớp ND đô thị thực thụ. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, công tác tuyên truyền, tập huấn cho ND hiện nay đang “có vấn đề”, chủ yếu do tính thụ động của nhà nông. “Họ (nông dân) phải chủ động lập lớp, đặt hàng để cán bộ nông nghiệp thực hiện, đằng này chúng tôi đưa lớp xuống tập huấn mà không chắc thực tế họ có nhu cầu đó không. Sắp tới, các cơ sở hội và các CLB ND phải làm theo quy trình đặt hàng” - ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho rằng, việc liên kết nhà nông cũng còn khá lỏng lẻo. Ngay như việc liên kết các ND sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài trong những năm qua để đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực tập thể thì thành phố vẫn chưa thể làm được.

Trong sản xuất nông nghiệp đô thị, ND luôn cần sự trợ thủ đắc lực của công tác tập huấn, công cụ máy móc, công nghệ thông tin và dịch vụ phục vụ nông nghiệp để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, cạnh tranh tốt hơn. Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp của đề án chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, sẽ đổi mới các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và phương thức tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ KHCN để nâng cao trình độ sản xuất của ND. 
Trần Đáng
Nguồn: danviet.vn