Bảo hộ giống cây trồng
- Thứ hai - 03/07/2017 10:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việt Nam đã tham gia Công ước UPOV (International Union for the Protection of New Varieties of Plants) về bảo hộ giống cây trồng (hay còn gọi phương pháp bảo vệ quyền tác giả đối với giống cây trồng) từ ngày 24-12-2006, áp dụng với tất cả các loại giống cây trồng mới.
380 giống cây được cấp chứng nhận
Tại hội thảo “Bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam” do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức (trong khuôn khổ Hội chợ - Triển lãm Giống nông nghiệp lần thứ 5), ông Nguyễn Thanh Minh, Chánh Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng (thuộc Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) cho biết, nhờ tham gia Công ước UPOV, thị trường giống cây trồng trở nên sôi động hơn với việc xử lý các vi phạm bản quyền về giống, cũng như nhiều giống cây trồng được nâng cao chất lượng, tạo ra khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Từ năm 2004 đến cuối năm 2016, Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng đã cấp chứng nhận cho 380/893 trường hợp đăng ký chứng nhận bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; trong đó, giống lúa chiếm 56,2%, bắp 13,9%, hoa 12%, rau 11,3%, cây công nghiệp ngắn ngày 2,6%, cây ăn trái 2,4%...
Con số này có thể nói còn khá khiêm tốn trong bối cảnh Việt Nam là một trong các quốc gia có nguồn giống cây trồng đa dạng, đặc biệt là gạo và các loại rau, hoa.
Cùng với các giống truyền thống và giống do nông dân tạo ra, các giống cải tiến và hiện đại do khu vực nhà nước giới thiệu được nông dân sử dụng trên đồng ruộng, lưu giữ và tái sử dụng, chia sẻ và trao đổi tự do trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, chỉ 1 - 2 năm nay, việc đăng ký quyền bảo hộ giống cây trồng mới trở nên sôi động, cũng như có sự chuyển động về các loại giống.
Nếu như từ năm 2004 đến 2015, có 708 trường hợp đăng ký bảo hộ quyền về giống cây trồng thì trong năm 2016 có đến 185 đơn xin cấp chứng nhận.
6 tháng đầu năm nay con số xin chứng nhận bảo hộ cũng tăng rất nhiều, có thể tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, khu vực phía Bắc đăng ký nhiều hơn so với phía Nam.
Những năm đầu, chủ yếu xin bảo hộ chứng nhận các giống về lúa, bắp, đậu... nhưng những năm gần đây xin chứng nhận về rau, hoa tăng mạnh hơn. Đặc biệt năm nay, cây dược liệu có đơn xin cấp chứng nhận bảo hộ giống cây trồng tập trung nhiều nhất.
Vướng mắc về thương mại
Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP, cho biết: “TP xác định chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao; vì vậy, áp dụng khoa học công nghệ là hướng ưu tiên phát triển, nghiên cứu, lai tạo các giống cây, con nhằm hướng tới trung tâm giống nông nghiệp trong khu vực. Chọn lọc giống chất lượng cao, có tính pháp lý đầy đủ đưa vào sản xuất. Vì vậy, vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền giống càng phải được đặt ra để tránh bị thiệt hại, cũng như việc thực thi pháp luật cần được chấp hành trong việc giải quyết tranh chấp bản quyền về giống, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn bài bản. Nhưng sự nhận thức về vấn đề này hiện chưa đồng đều”.
Đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) cho rằng, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu các giống do SSC sản xuất và được chứng nhận bảo hộ giống cây trồng khá nhiều.
Nhãn hiệu giống lúa Đài thơm 8 xuất khẩu đã bị làm giả, vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác kinh doanh.
SSC đã gửi đơn đến các địa phương nhờ hỗ trợ, xử lý các tổ chức hay cá nhân có hành vi vi phạm, nhưng đến nay mới dừng lại ở sự cam kết… sẽ hỗ trợ. Vì vậy, các hình thức vi phạm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài khả năng kiểm soát của công ty.
Trong khi đó, việc đăng ký quyền bảo hộ giống cây trồng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các tỉnh phía Nam.
Chỉ riêng TPHCM và các tỉnh xung quanh có đến 1.000 công ty sản xuất giống đề nghị tổ chức khảo nghiệm một số giống ở miền Nam (thay vì chỉ khảo nghiệm ở phía Bắc như hiện nay) để giảm tốn kém chi phí và thời gian đi lại.
Theo Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát, hiện danh mục bảo hộ cây trồng chưa xây dựng hoặc chưa có quy phạm khảo nghiệm một số giống như mướp hương...
Nếu muốn bảo hộ phải tự khảo nghiệm và cùng với Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng xây dựng tiêu chuẩn khảo nghiệm. Quá trình để được công nhận giống mới và bảo hộ phải từ 2-3 năm.
Với thời gian này thì tính mới, tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường đã giảm đi rất nhiều. Trong quá trình kinh doanh, công ty cũng gặp nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu giống như sao chép, lấy hình ảnh sản phẩm, bao bì để làm sản phẩm khác trên thị trường.
Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, nơi đã và đang nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc để lai tạo ra nhiều giống cây, con mới, nhất là các giống hoa nhưng lại gặp khó khăn về đăng ký do quy định chưa phù hợp.
TS Dương Hoa Xô cho biết, khác với các giống lúa, bắp, rau... các giống lan, nếu đem giao cho đơn vị khảo nghiệm như quy định thì nguy cơ mất nguồn vật liệu rất lớn, vì giống lan rất dễ bị nhân giống vô tính.
Vấn đề này mới đây đã được tháo gỡ khi Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng đồng ý cho khảo nghiệm nhưng phải có sự giám sát toàn bộ quá trình của cán bộ Trung tâm Khảo kiểm - nghiệm giống cây trồng.
Hiện nay Cục Trồng trọt cho phép với giống hoa mới chỉ cần 2 lần thu hoạch (ra hoa) chứ không phải 2 lần chu kỳ sinh trưởng như quy định chung. Nhưng với giống mới về lúa, bắp... cần quy mô khá lớn trong quá trình khảo nghiệm kiểm nhưng giống hoa cần xem xét quy mô cỡ nào để phù hợp vì tính chất của giống hoa khác biệt rất nhiều so với các giống cây lương thực. Vì vậy cần có sự thống nhất về số lượng, quy mô, diện tích và thời gian.