Bảo hộ nhãn hiệu: Cơ hội đưa “Mộc Thái Yên” vươn ra biển lớn
- Thứ ba - 11/06/2019 01:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thổi hồn vào sản phẩm
Chúng tôi về thăm làng mộc Thái Yên, không khí lao động sản xuất, mua bán các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ như: bàn ghế, đồ thờ tự, trang trí, lục bình... bằng nguyên liệu gỗ lim, dổi, gõ, săng vì, vàng tâm, kiền kiền... của người dân nơi đây diễn ra nhộn nhịp. Tiếng máy cưa xẻ, tiếng đục đẽo, bào, phay; tiếng đánh nhám, phun sơn mài,… vang lên liên hồi khắp làng nghề. Trên các trục đường chính, ô tô bán tải, xe kéo thô sơ hối hả chở đầy sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ngược xuôi, tấp nập.
Theo một số người cao tuổi, làng nghề mộc Thái Yên đã tồn tại cách đây ít nhất 400 năm. Đến cuối thế kỷ 19, nghề mộc Thái Yên phát triển mạnh và rất thịnh vượng trong những năm đầu thế kỷ 20. Lúc đầu, chỉ làm những vật dụng thông thường như: mâm, khay, hương án... để thờ tự.
Trải qua bao nhiêu thế hệ, kinh nghiệm làm mộc được truyền từ đời này sang đời khác. Với đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo và trái tim tâm huyết, những người nghệ nhân tài hoa đã biến khúc gỗ đơn thuần thành sản phẩm điêu khắc điêu nghệ, điển hình như các ông Ngại, Hồng, Võ Em được tôn vinh là các bậc kì tài về chạm trổ long, ly, quy, phượng tại các đình chùa, lăng, tẩm được triều đình Huế trọng dụng từ những năm đầu thế kỷ XIX.
Sau này, các thế hệ trai làng Thái Yên nặng lòng với nghề truyền thống đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm về đóng bàn ghế, giường, tủ, sa-lông, tràng kỷ, lục bình…, bán ra thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài ra, với bàn tay và khối óc tài hoa của mình, họ còn để lại nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt tác trong kiến trúc đền, đình, chùa, miếu ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Làng nghề Thái Yên vinh dự đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam do Hội làng nghề Việt Nam phong tặng vào ngày 31/10/2013 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận nghề truyền thống Mộc Thái Yên theo Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 19/8/2013.
Toàn xã hiện có 11 doanh nghiệp, 9 tổ hợp sản xuất và 33 cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp. Sản phẩm của làng nghề Thái Yên ngày càng đa dạng, có nét độc đáo riêng về mỹ thuật, chất lượng nên đã tăng được tính cạnh tranh trên thị trường, giải quyết công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở các xã Thái Yên, Đức Bình, Đức Thịnh.
Năm 2018, giá trị thu nhập từ sản xuất các sản phẩm “Mộc Thái Yên” đạt hơn 113 tỷ đồng.
Cơ hội đưa sản phẩm đồ gỗ vươn xa
Từ năm 2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tập trung tại làng nghề mộc Thái Yên với diện tích 5,5ha ở vị trí thuận lợi, cách Quốc lộ 8A khoảng 500m. Đến nay, kết cấu hạ tầng Cụm TTCN đã được xây dựng khang trang, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã thuê hết mặt bằng và đầu tư xây dựng lán, xưởng, cửa hàng để sản xuất, kinh doanh hàng mộc.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mộc Thái Yên – Làng nghề truyền thống Đức Thọ, Hà Tĩnh”, do Hội Nghề mộc Thái Yên quản lý, hiện có 94 hội viên sử dụng.
Với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”, hội viên Hội Nghề mộc Thái Yên sẽ có thêm công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật thông qua việc quản lý và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, chống các hành vi xâm phạm quyền nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đồ mộc truyền thống của địa phương; đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, hướng đến việc phân phối sản phẩm ra khắp cả nước và xuất khẩu; duy trì danh tiếng sản phẩm và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Bộ KH&CN) Lưu Đức Thanh cho rằng, nhãn hiệu “Mộc Thái Yên” được bảo hộ, ngoài niềm vui của cộng đồng các tổ chức, nhà sản xuất mộc ở Thái Yên cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức về công tác quản lý và sử dụng để phát huy giá trị, hiệu quả của nhãn hiệu tập thể trên thị trường.
Ông Thanh kiến nghị: Hội Nghề mộc Thái Yên cần xây dựng các phương án tổ chức, huy động, kêu gọi hỗ trợ nguồn lực để thực hiện quản lý, phát triển nhãn hiệu. Đồng thời, chủ sở hữu và các cơ quan, ban, ngành ở Hà Tĩnh cần hỗ trợ nguồn lực quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân. Đặc biệt, người sản xuất cần nêu cao tinh thần trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường.
Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn