Bảo tồn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Hóa có nhiều phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, như làng phố văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,... từng bước mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, các phong trào nêu trên đã có tác động tích cực, lồng ghép và làm cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đi sâu vào cuộc sống, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và có những di tích chưa kịp xếp hạng còn nằm rải rác ở các làng quê. Vì vậy, một trong những cái khó của tỉnh hiện nay khi tiến hành quy hoạch làm đường liên thôn, liên xã xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn. Có nhiều nơi làm được đường thuận lợi theo quy hoạch thì ảnh hưởng đến di tích như đền, chùa, và các phế tích chưa được khai quật nghiên cứu khoa học, có những địa phương còn lưu giữ những hồ làng, giếng nước, cây cổ thụ vài trăm năm tuổi không thể phá được để làm đường giao thông làng, xã,...

Từ những khó khăn đó mà nhiều địa phương như các huyện Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa... phải vận dụng nhiều phương án, vừa giữ được di tích để phát huy tác dụng giáo dục truyền thống, vừa phải bảo đảm được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đó là vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Nhiều gia đình ở các địa phương này đã phải hy sinh nhà ở, ruộng vườn, cây cối... để đóng góp làm đường liên thôn, tránh được phá bỏ những di tích lâu đời mà ông cha tạo dựng. Điều đó đã góp phần giải quyết được khó khăn cho các cấp chính quyền khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân vùng nông thôn.

Thanh Hóa có nhiều bản làng ở vùng núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa và quan hệ tập quán của các dân tộc mỗi nơi mỗi khác, phương tiện đi lại còn thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều là trở ngại, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tư tưởng ỷ lại, hẹp hòi tư lợi ở một số nơi tuy không nhiều nhưng sẽ khó khăn cho việc hoàn thành các tiêu chí theo quy định xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm một số làng xã đi đầu trong việc xây dựng đường giao thông liên thôn bằng bê-tông, có thể thấy, đoàn kết vừa là di sản tinh thần vừa là động lực vươn lên, vì lợi ích cộng đồng.

Trong thực tế nông dân Thanh Hóa ở các huyện vùng cao Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thọ Xuân, Quảng Xương,... đã có nhiều điển hình tốt vì tập thể, vì phúc lợi xã hội đã hiến đất, hiến nhà, tiền của, công sức để làm đường giao thông làng, xã.

Vấn đề có nên loại bỏ những di tích chưa được xếp hạng, bị chồng lấn hoặc nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, là vấn đề đặt ra ở một số huyện có nhiều di tích văn hóa như Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa. Sau các ý kiến tranh luận khác nhau giữa bảo tồn và phát triển, giữa xóa bỏ và làm mới, cuối cùng phần lớn nhân dân đều thống nhất phải bảo tồn để giáo dục truyền thống, nhưng đồng thời vẫn phải tìm giải pháp tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng mới theo quy hoạch một cách hợp lý. Chính qua việc thảo luận dân chủ trong xây dựng nông thôn mới mà nhận thức của cộng đồng có sự chuyển biến đáng kể, tạo nên cách nhìn mới đồng cảm giữa người dân và cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng phong trào ở cơ sở.

Từ nhận thức trong tư duy đổi mới, cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa di sản truyền thống của người dân mà trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới còn có những ý kiến khác nhau, song qua thực tiễn cũng tạo được sự đồng thuận để quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ mà cấp ủy và chính quyền đề ra. Nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng và sáng tạo cho cấp trên điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc. Nhất là các cơ chế chính sách, biện pháp, cách làm về việc đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển hài hòa giữa hưởng thụ văn hóa với hưởng thụ vật chất ở nông thôn; đề xuất cả việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thông qua bảo tồn và phát huy tác dụng di sản trong du lịch Thanh Hóa.

Tinh thần dân chủ, đối thoại giải quyết những vướng mắc ở cơ sở giữa cán bộ địa phương với nhân dân, là yếu tố quyết định cho việc xây dựng nông thôn mới với sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại các làng quê xứ Thanh.

Xây dựng nông thôn mới là một cuộc vận động chính trị - xã hội sâu sắc, bởi vì các tiêu chí của phong trào đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân. Song trong thực tế, khi thực hiện phong trào này đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại về nhận thức tư tưởng, điều kiện vật chất, chế tài trong quá trình thực hiện các tiêu chí. Nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn hiện nay. Ở tỉnh Thanh Hóa, do rút kinh nghiệm nhiều địa phương trong nước mà việc thực hiện quy trình xây dựng nông thôn mới, những vướng mắc về bảo tồn di sản với quy hoạch hạ tầng làng, xã sớm được khắc phục.

Theo: nhandan.org.vn