Bất hợp lý trong cơ cấu nguồn vốn

Bất hợp lý trong cơ cấu nguồn vốn
Chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa sẽ khép lại lộ trình thực hiện mục tiêu 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đến năm 2015, nhưng nhiều địa phương vẫn xác định mục tiêu triển khai một cách máy móc và cơ cấu nguồn lực bố trí cho chương trình còn bất hợp lý.
 
Trông chờ vào ngân sách
Tính đến hết tháng 5/2015, cả nước có 864 xã (chiếm 9,7%) và 4 huyện, thị xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM T.Ư, các xã đạt chuẩn NTM chủ yếu tập trung ở địa phương có kinh tế phát triển, còn ở những vùng khó khăn, tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao. Thậm chí, hiện nay còn 6 tỉnh "trắng" xã đạt chuẩn NTM là Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên và Đắk Nông. Hơn nữa, các tiêu chí NTM đạt cao phần lớn là tiêu chí "mềm", cần ít kinh phí, còn lại các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... đạt khá thấp.
Mô hình hợp tác trồng nấm tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thắng Văn
Mô hình hợp tác trồng nấm tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thắng Văn
Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó chánh Văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho hay, thách thức lớn nhất trong xây dựng NTM chính là nguồn lực, bởi bình quân đề án được phê duyệt cho mỗi xã khoảng 150 - 170 tỷ đồng. Chưa nói đến vấn đề ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp địa phương còn hạn chế, việc xác định mục tiêu thực hiện và cơ cấu nguồn lực xây dựng NTM của nhiều xã đang tồn tại nhiều bất hợp lý, chủ yếu là nguồn vốn tín dụng. Đặc biệt, không ít cán bộ cơ sở và Nhân dân vẫn có tư tưởng trông chờ vào NSNN để xây dựng NTM. Việc huy động nguồn lực DN tham gia rất hạn chế, mới đạt 3,41%.
Bất cập này cũng được nhắc đến trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII do Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày trước Quốc hội tuần trước. Theo đó, nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, để thất thoát và chưa chủ động huy động nguồn lực xã hội. Ở một số nơi, cán bộ chưa thực sự sâu sát, năng động, còn có biểu hiện chạy theo thành tích dẫn đến một số công trình đầu tư chưa phát huy hiệu quả...
Tăng thu hút đầu tư
Theo mục tiêu đề ra, đến hết năm 2015, cả nước sẽ có 1.700 xã đạt chuẩn NTM, một con số không hề dễ dàng thực hiện được trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Bởi vậy, tại Diễn đàn đối thoại chính sách hợp tác thúc đẩy chương trình xây dựng NTM do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, việc tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư của các DN và khu vực tư nhân là giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập đến. Theo đó, các địa phương cần tranh thủ thu hút nguồn vốn hỗ trợ của quốc tế và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mô hình hợp tác công - tư.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri về khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã quyết định bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 15.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2011 - 2013. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu việc huy động nguồn lực phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, không được huy động quá sức dân. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng nhiều chính sách nhằm huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng NTM như hướng dẫn nguồn vốn để lại ít nhất 70% cho xã đầu tư công trình tại xã từ ngân sách T.Ư hỗ trợ đất lúa... Tuy nhiên, dường như việc thực hiện của các địa phương còn nhiều lúng túng.
Rõ ràng, nguồn lực hạn chế là vấn đề cần quan tâm trong việc đề xuất kế hoạch đầu tư, thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới. Hơn 40% nguồn lực từ tín dụng không phải là một cơ chế phù hợp, do đó điều quan trọng là Chính phủ phải có bức tranh toàn cảnh hơn về cơ cấu nguồn vốn trong xây dựng NTM. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM là chương trình hỗ trợ thêm, kêu gọi, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nông thôn chứ không phải đầu tư xây dựng cơ bản. Hiện, Ban Chỉ đạo T.Ư cũng đang rà soát lại nguồn lực lồng ghép giữa 2 chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM để việc phân bổ vốn đầu tư đạt hiệu quả hơn.
Thắng Văn
Theo ktdt.vn