Bất lực với dịch bệnh tôm

Bất lực với dịch bệnh tôm
(Dân Việt) - Mặc dù dịch bệnh trên tôm vẫn đang diễn biến phức tạp với thiệt hại ngày càng lớn, song cho đến nay cả hai cơ quan của Bộ NNPTNT là thủy sản và thú y vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Sự chậm trễ này đang gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Số liệu thiệt hại không thống nhất

Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tính đến thời điểm hiện nay, diện tích tôm nuôi thả bị thiệt hại do nhiễm bệnh đã lên gần 69.000ha, tăng 750ha so với tháng 7, trong đó diện tích tôm sú bị thiệt hại là 63.781ha và diện tích tôm chân trắng bị thiệt hại là 5.128ha.

Không tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh khiến thiệt hại của người nuôi tôm ngày càng lớn.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Năm – quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) lại đưa ra một con số thống kê khác: Tổng diện tích tôm thiệt hại từ đầu năm đến nay là gần 49.000ha, tức “hụt” gần 20.000ha so với số liệu của Tổng cục Thủy sản. Thiệt hại nặng nhất vẫn là do hội chứng hoại tử gan tụy với diện tích trên 42.900ha; bệnh đốm trắng 5.900ha. Trước số liệu “vênh” nhau này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã yêu cầu các đơn vị, cần kiểm tra lại việc thống kê thiệt hại, tại sao số liệu của 2 đơn vị lại có sự chênh lệch nhiều đến như vậy.

Không phải do virus?

Sau hàng loạt xét nghiệm, đến nay Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I mới chỉ đưa ra được tôm chết vì bệnh gì, chứ chưa thể làm rõ được nguyên nhân, vì sao tôm chết. Cụ thể, tôm bị chết thường có hiện tượng sưng gan hoặc teo gan. Qua nghiên cứu với phương pháp cho tôm khỏe ăn thức ăn trộn lẫn với gan của tôm mắc bệnh, đã phát hiện tôm khỏe cũng bị lây bệnh. Kiểm tra kỹ những con tôm mắc bệnh, các nhà khoa học đều phát hiện thấy, có hiện tượng gan, tụy bị bong, tróc.

Nghiên cứu bước đầu trên tôm ở miền Bắc và miền Trung, Viện Nuôi trồng thủy sản 1 kết luận: Không phát hiện sự có mặt của virus, ký sinh trùng, nấm. Song đã phát hiện tôm có nhiễm vi khuẩn, trong tôm có nhóm Vibrio; phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tất cả các ao lấy mẫu có hiện tượng tôm chết…

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện vẫn chưa có một số liệu nào khẳng định được nguyên nhân gây bệnh tôm. Chỉ duy nhất ở Cần Thơ đưa ra việc xác định bệnh hoại tử tôm là xuất hiện từ giai đoạn giống. Do đó, vẫn chưa thể đưa ra được phác đồ điều trị cụ thể.

Theo ông Năm, gần 2 năm nay, chúng ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh hoại tử ở tôm là gì. Vì thế, song song với việc xác định nguyên nhân gây bệnh, phải nhanh chóng tìm hiểu và nhân rộng mô hình nuôi an toàn để giảm thiệt hại. Đây là một việc khẩn cấp không thể chờ. Ông Năm cũng cho biết: “Ở Thái Lan, mặc dù chưa biết được nguyên nhân gây bệnh nhưng họ đã nuôi thành công và giảm tỷ lệ thấp nhất bị bệnh”.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu lại nghiêng về nguyên nhân gây bệnh là do môi trường ô nhiễm, vì thế cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh. “Đã có đề tài khoa học nuôi tôm không sử dụng hóa chất, giải pháp là điều chỉnh môi trường bằng chế phẩm sinh học, triển khai tại Sóc Trăng và Kiên Giang với diện tích 50ha. Đến thời điểm này, không có ao nào bị bệnh” - bà Thu cho biết.

Bà Thu cũng đề nghị, trong tháng 9 này, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản phải huy động tổng lực và phối hợp với cả chuyên gia nước ngoài để tìm ra nguyên nhân gây bệnh trên tôm, đồng thời nhanh chóng áp dụng các mô hình nuôi tôm an toàn, sạch bệnh.