Bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề bứt phá

Các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng khá phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp và không hiếm sản phẩm chất lượng cao. Chính vì vậy, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn sẽ đem lại cơ hội thuận lợi, tiếp lực cho làng nghề bứt phá.
Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: Diệu Anh

Hiệp định EVFTA vừa chính thức được thông qua và dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7/2020. Các chuyên gia cho rằng cơ hội là rất lớn. EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, nhu cầu tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng “handmade”. Do đó, việc phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống là thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì làng nghề Hà Nội cũng còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng tầm…

Do đó, để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội phải hướng tới việc sản xuất sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với lối tiêu dùng có trách nhiệm của người dân EU. Cần kết hợp phát triển du lịch làng nghề, đưa khách du lịch EU đến để họ có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận nét văn hóa độc đáo, quy trình sản xuất có nhiều điểm đặc biệt tại các làng nghề ở Hà Nội, đó là giải pháp rất quan trọng, không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến mà còn tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm.

Đây cũng là lúc các doanh nghiệp làng nghề phải vươn lên, trở thành những chủ thể đủ mạnh, có thể tham gia thiết kế, sáng tạo để tạo ra sản phẩm hàng hóa riêng, có thể dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải thực hiện ngay việc tạo mối liên kết chung chặt chẽ, đặc biệt là giữa những nơi sản xuất cùng một loại sản phẩm.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt lưu tâm tới các phần việc như xây dựng và khẳng định thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý..., những yếu tố đặc biệt quan trọng khi tham gia xuất khẩu và bảo hộ quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Năm 2019, Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo lần đầu tiên được thành phố Hà Nội tổ chức đã tạo sự lan tỏa các ý tưởng thiết kế mẫu sản phẩm mới, có tính ứng dụng và giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hoạt động này là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với 159 cụm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 3.204,31ha. Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đang cần mặt bằng phát triển sản xuất không phải mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận hoặc bó hẹp sản xuất trong khuôn khổ hiện tại.

Có thể thấy, việc có thêm nhiều cụm công nghiệp mới ra đời cũng sẽ giúp giải bài toán bảo vệ môi trường làng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang tới.

Theo Diệu Anh/thanglong.chinhphu.vn