"Bệ phóng" nào để ngành nông nghiệp bứt phá trong năm 2020?
- Thứ bảy - 11/01/2020 17:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó chính là những tiền đề quan trọng, là bệ phóng để toàn ngành vươn lên trong năm 2020 này.
Chủ động, Sáng tạo, Chung sức, Đồng lòng, Hiệu quả
Năm 2019, ngành Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu: Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới chiếm 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,01% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương toàn ngành Nông nghiệp và PTNT với những kết quả đạt được trong năm 2019. Đồng thời, Thủ tướng tặng toàn ngành 10 chữ: “Chủ động, Sáng tạo, Chung sức, Đồng lòng, Hiệu quả”.
Nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu toàn ngành là, tiếp tục tập trung cơ cấu lại sản xuất, mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giữ chất lượng và chữ tín trong lĩnh vực nông nghiệp, giữ vững thương hiệu sản phẩm.
“Ngành Nông nghiệp phải phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu.
“Cố gắng cao nhất để đảm bảo con số cao nhất trong điều kiện cho phép”
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường một lần nữa khẳng định những bước chuyển ngoạn mục trong năm 2019 của toàn ngành. Mặc dù năm qua gặp nhiều khó khăn, thách thức và sóng gió nhưng tựu chung lại, ngành Nông nghiệp đã “trưởng thành hơn” sau những bài học được rút ra.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh sự đồng hành vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông báo chí, đã phản ánh và chuyển tải những thông tin, thông điệp kịp thời, giúp ngành Nông nghiệp có những đánh giá đa chiều và chính xác hơn, từ đó có những chính sách sát sườn và mang lại hiệu quả cao.
Bộ trưởng cho rằng, phải xác định năm 2020 lại tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành Nông nghiệp. Đó là tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm. Năm nay không phải ngẫu nhiên ngành Nông nghiệp tổng kết sớm bởi lý do còn tập trung chỉ đạo sản xuất ngay vụ đầu tiên, tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ xuân của miền Bắc, ứng phó với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đối với vụ đông xuân. Thứ hai là, dịch tả lợn châu Phi, mặc dù giảm, cơ bản đã được khống chế nhưng vẫn chưa phải là an toàn. Chúng ta vẫn phải đối mặt với sâu keo mùa thu năm ngoái xuất hiện ở 14 tỉnh. Tiếp nữa là thị trường nông sản rất khó khăn vì chiến tranh thương mại toàn cầu, trong đó có biểu hiện lớn nhất về thương mại nông sản. Các quốc gia đều muốn phát triển nông sản tại chỗ. Đây là áp lực cho những nước xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho hay, nếu như nói về khát vọng mức độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2020 thì phải cao hơn 41 tỉ USD. Đó là khát vọng, bởi vì thứ nhất, chúng ta đã đặt nền tảng trong năm khó khăn. Thứ hai, tìm thấy dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù xác định trước là năm 2020, một trong những thách thức lớn nhất tiếp tục là thách thức về thị trường, tuy nhiên, ngành cũng xác định là, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 chính thức giao cho ngành phấn đấu xuất khẩu khoảng 41,5 - 42 tỷ USD, theo đó ngành xác định giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ cũng như phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế, phấn đấu đạt từ 42 tỷ USD trở lên. Đây là quyết tâm mà toàn ngành phải phấn đấu.
Ngành Nông nghiệp đặt chỉ tiêu và cố gắng cao nhất để đảm bảo con số kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt mức cao nhất .
“Để đạt mục tiêu này sẽ khó. Trong bức tranh chung toàn cầu hiện nay, khi cạnh tranh quyết liệt về thị trường, về nông sản, chúng tôi cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như các thành phần kinh tế và người dân thì cố gắng cao nhất để đảm bảo con số cao nhất trong điều kiện cho phép”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Doanh nghiệp là “hạt nhân” đầu tàu
Biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp đã tập trung cùng với bà con nông dân trở thành lực lượng “hạt nhân” trong chuỗi sản xuất, cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có trên 750 nghìn doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã đủ điều kiện, kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính và quan trọng hơn là đã đủ khát vọng để tổ chức thực hiện tốt, giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp - khu vực khó nhất.
Việc các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ cho thấy khu vực nông nghiệp còn tiềm năng, lợi thế. Mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỷ USD, nông sản đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định “dư địa” còn rất lớn. Tại sao dư địa lớn, vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm vào khoảng 2 nghìn tỷ, trong đó giá trị có được từ khâu chế biến thương mại còn rất nhiều.
Việt Nam đạt kim ngạch hơn 40 tỷ USD, chủ yếu xuất khẩu nông sản thô. Do đó, nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, làm tốt sản xuất chuỗi thì giá trị từ khu vực này còn rất lớn. Cà phê hiện nay 1 năm xuất khẩu 3,4 - 3,5 tỷ USD nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%, thế thì 89% còn lại là “dư địa”. Nếu làm tốt chuỗi, tập trung chế biến, tổ chức thương mại thật tốt, đúng theo thiết chế hạ tầng của bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ tìm ra “dư địa” ở đó. Tiếp nữa là chủ trương, chính sách hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc; 63 tỉnh, thành liên tục mời gọi các nhà đầu tư trong 3 năm qua.
Trong xúc tiến đầu tư đều có dành một phần quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Điểm qua những thành tích nổi bật, Bộ trưởng cho rằng, thành công lớn nhất là ở khâu công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông - lâm - thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng...
Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục, 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%.
Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).
Bứt phá trong năm 2020
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; nhất là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ngành Nông nghiệp và PTNT đặt chỉ tiêu cơ bản: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 96%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Bộ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; ngăn chặn lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi. Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành; tập trung làm thay đổi nhận thức của nhân dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng cũng khẳng định về việc nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức hội nghề nghiệp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhất là các cơ quan truyền thông hỗ trợ thông tin về kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những mô hình thành công, kinh nghiệm hay để học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Theo Thanh Tâm/kinhtenongtghon.vn