Bi kịch của nhà nông
- Thứ hai - 22/07/2013 21:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dù Chính phủ đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng lúa, trong đó chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo với kỳ vọng giúp người nông dân không bị thất vọng sau mỗi vụ thu hoạch lúa, song trên thực tế, hiệu quả từ chính sách này chưa cao. Người nông dân vẫn chịu thua thiệt, giá lúa vẫn thấp và hậu quả là nhiều địa phương đang phải chứng kiến cảnh nông dân bỏ ruộng kiếm sống bằng nghề khác, thậm chí, nhiều nơi, nông hộ còn trưng biển… bán đất ruộng.
Ruộng đất bị bỏ hoang… Thật đáng buồn, thực tế nói trên hay nói đúng hơn là bi kịch này lại đang diễn ra ở ngay chính tại đất nước có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, và đứng trong top đầu xuất khẩu lúa gạo của thế giới. Về Quảng Bình những ngày này, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt sẽ chính là những khoảnh ruộng bị bỏ hoang đúng thời điểm bắt đầu vụ mùa hè – thu 2013. Nhiều người dân ở địa phương này cho biết, giá lúa quá thấp, trong khi chi phí đầu vào lại cao, làm ra cây lúa vất vả là thế mà, tiền bán lúa không đủ bù công sức lao động, thậm chí thua lỗ nặng nề… nên nhiều người nông dân đã nghĩ đến phương án bỏ ruộng để đi kiếm sống bằng nghề khác. Xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một xã thuần nông, quanh năm chỉ bám vào cây lúa là chính thì nay nhiều "bờ xôi ruộng mật” cũng bị nông hộ để trơ trơ. Anh Trần Văn Quốc (thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, người dân xã Hiền Ninh đã không còn mặn mà với ruộng lúa, họ bỏ đi xa làm ăn hết cả. "Mần ra mà không bán được nên không ai muốn làm. Như mần ruộng một năm mần ruộng được có 3-4 triệu bạc mà đi mần ngoài thì được 7-8 triệu thì bỏ ruộng mần ở ngoài cho khỏe” – anh Quốc cho biết. Theo như chia sẻ của anh Quốc và nhiều hộ nông dân ở xã Hiền Ninh, chi phí đất quá nhiều, tiền bỏ ra mua phân đạm cũng rất đắt đỏ mà thu thì không được mấy, thậm chí lỗ nặng, trong khi lên TP. Đồng Hới hoặc đi các tỉnh, thành khác làm thu nhập được gấp đôi, thì dân bỏ ruộng là điều khó tránh. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, ông Phan Văn Khoa, dù chưa có báo cáo chính thức từ các địa phương về diện tích đất lúa hè thu bị bỏ hoang, song con số tạm tính ở thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 100 ha đất lúa đang bị nông hộ "bỏ rơi”. Hiền Ninh là nơi có nhiều diện tích vốn là ruộng hai vụ lúa, song thực tế nói trên cho thấy, khó khăn đang khiến người nông dân buộc phải tìm kế khác để sinh nhai. Ngoài xã Hiền Ninh, nhiều xã khác ở Quảng Bình, tình trạng người dân bỏ ruộng cũng khá nhiều. Tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ, khó khăn vì thiếu thốn nguồn nước, lại bị chuột cắn phá mùa màng, trong khi giá vật tư cho sản xuất cao, giá nhân công cao, còn đầu ra lại bấp bênh, lúc lên lúc xuống,… là hàng loạt lý do khiến người nông dân buộc phải tìm cách khác để mưu sinh. Ảnh: HOÀNG LONG Thậm chí bị…rao bán Đó là ở Quảng Bình, còn tại nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai vựa lúa chính phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, người ta lại phải chứng kiến một thực tế đau lòng hơn. Đó là tình trạng người nông dân chưng biển… bán đất. Đất sản xuất được coi là tài sản quý giá nhất của nông hộ, vậy mà không thể tin được, thực trạng nông dân bán đất sản xuất lại đang diễn ra ở ngay nơi được coi là vựa lúa của cả nước. Tại khá nhiều vùng nông nghiệp của TP.Cần Thơ và những tỉnh khác như Hậu Giang, Đồng Tháp… người ta bắt gặp khá nhiều những mảnh ruộng, vuông ao đề biển rao bán. Người dân ở khu vực này cho hay, giá lúa và cả giá cá tra đang hạ xuống rất thấp, lợi nhuận làm ra không đủ bù cho tiền công, tiền vật tư, chi phí sản xuất, giờ nợ nần chất chồng nên nhiều nhà đã quyết định bán đất ruộng, đất ao đi để mong trang trải nợ nần. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga (ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho hay, cả đời chỉ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, quanh năm chỉ biết đến có cây lúa, nhưng có sống được nổi bằng cây lúa đâu. "Một vụ mùa xuôi chèo mát mái, ít dịch bệnh, không thiên tai thì lại vẫn phải lo giá lúa có bán được đủ bù chi không, còn thông thường lúc nào cũng nơm nớp lo đối phó với rủi ro… Bởi vậy gia đình tôi quyết định bán hết số đất ruộng đang có, một phần để giả nợ, phần còn lại để tìm cách đầu tư kiếm sống bằng nghề khác” – bà Nga cho biết. Đồng cảnh ngộ với gia đình bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, nhiều hộ nông dân trồng lúa và cả các hộ nuôi tôm, nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tìm cách bán ruộng, bán ao để trả nợ, họ những mong tìm được nghề mưu sinh khác. Ở một đất nước thuần nông mà lại diễn ra cảnh nông dân không còn thiết tha, mặn mà với nghề nông… quả thực là một bi kịch. Và sẽ còn bao nhiêu nông hộ bỏ hoang ruộng đất như ở Quảng Bình? Sẽ còn bao nhiêu nông hộ chưng biển bán đất như bà con ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long? Cho dù hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra để giảm thiểu những rủi ro cho ngành nông nghiệp song câu trả lời cho bài toán "tam nông” dường như vẫn chưa có được kết quả như mong muốn. Và không ai khác, người nông dân vẫn đang là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất khi hàng ngày, hàng giờ vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong điều kiện sản xuất thua lỗ, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định… Duy Phương theo daidoanket |