Bí quyết của Đan Phượng - huyện về đích đầu tiên

Trước khi xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, trong đó hệ thống hạ tầng đã cơ bản đạt chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để huyện sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trở thành huyện NTM đầu tiên và duy nhất cho đến nay của TP.Hà Nội.
Trong xây dựng NTM, Đan Phượng xác định lợi thế là huyện ven đô nên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng 6 cụm công nghiệp làng nghề, phát triển 534 doanh nghiệp, thu hút 6.200 lao động. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 28,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%.
 
Hà Nội sẽ hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung để xây dựng NTM. (Trong ảnh: Nông dân xã Song Phương, Đan Phượng chăm sóc rau). Ảnh: Trần Quang
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với hàng nghìn mô hình sản xuất hiệu quả; đưa cây, con có giá trị cao vào thay thế sản xuất truyền thống, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường tiêu thụ. Do đó, bình quân 4 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng 2,4%/năm.
Với khâu đột phá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa số các xã trong huyện đã chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Điển hình là mô hình chuyển đổi trồng lúa và hoa màu năng suất thấp sang trồng hoa ly của anh Nguyễn Đăng Thắng ở xã Song Phượng, có thu nhập 400 triệu đồng/năm; mô hình trồng hoa ly của gia đình anh Tạ Văn Tượng tại thôn Hạ Mỗ cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/năm.
Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, Đan Phượng đã xác định đột phá từ tiêu chí môi trường. Một vấn đề nan giải của nhiều địa phương nói chung, Đan Phượng nói riêng đó là rác thải. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân. Các mô hình bảo vệ môi trường cũng được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể...
Tiêu biểu cho cách làm đó là dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến rác tại xã Phương Đình được triển khai xây dựng quy mô hoành tráng với hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đồng bộ khang trang. Được biết, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng) được xây dựng trên diện tích hơn 4,7ha, với tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Công ty CP Đầu tư Thành Quang (trong đó huyện đóng góp 50 tỷ đồng).
Dự án có công suất giai đoạn 1 đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, khu vực lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại ở các làng nghề, khu công nghiệp... trên địa bàn thành phố.
 Theo danviet.vn