Bí quyết “lên đời” VietGAP cho vườn măng tây Đức Lập
- Thứ hai - 26/02/2018 02:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây dựng thương hiệu măng tây xanh VietGAP Đức Lập
Trong căn chòi nhỏ dựng cạnh những luống măng tây mơn mởn, anh Nguyễn Đức Lập hồ hởi kể cho chúng tôi quá trình tìm lối đi riêng cho loài “rau vua” đã được chứng nhận VietGAP - Măng tây xanh Đức Lập.
Vài năm trước, măng tây xanh nổi lên như một loại cây giúp làm giàu với giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và các cây rau màu khác. Qua thực tế tham quan mô hình trồng măng tây xanh ở Ninh Thuận, Hà Nội… thấy nhiều người có thu nhập hàng trăm triệu đồng, nên cuối năm 2014, anh Lập quyết định đầu tư thuê 1ha đất trồng loài cây này. Vừa làm vừa học, những lứa măng tây xanh đầu tiên được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi khiến anh Lập rất phấn khởi.
Trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, anh Lập không lo ế bởi thu hoạch chừng nào bán hết chừng đó. ảnh: Thu Hà
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, măng tây xanh được trồng ồ ạt với nhiều mẫu mã, chất lượng khác nhau dẫn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh. Trong khi đó, măng tây xanh là cây trồng đòi hỏi đầu tư lớn, công chăm sóc vất vả. Vì vậy, anh Lập bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để nâng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Đầu năm 2016, trang trại của anh chuyển hướng trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP.
“Chỉ có bảo đảm chất lượng, làm cho người tiêu dùng tin vào sự an toàn mới khiến họ bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao hơn. Việc theo đuổi chứng nhận VietGAP không chỉ là tìm tấm giấy thông hành giúp sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng hơn là thay đổi quan điểm, lề lối canh tác, cải tạo chất lượng ngay từ khâu sản xuất”- anh Lập chia sẻ.
Trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, anh Lập phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về nguồn nước, đất trồng và sản phẩm được kiểm tra định kỳ của các cơ quan chuyên môn. Về phân bón, anh Lập thường tự ủ phân để bón cho cây. Theo đó, anh bón phân 2 lần/năm, liều lượng bón cho 1ha măng tây xanh là: 100kg chế phẩm tricodatma + 2.000kg phân chuồng + 300kg vôi bột + 300kg lân Supe Lâm Thao.
“Phân ủ theo phương pháp trên rất tốt cho cây măng tây xanh, có tác dụng làm tơi xốp, giữ độ ẩm cho đất. Khoảng 70% lượng phân bón tôi sử dụng cho măng tây xanh là phân hữu cơ, còn lại khoảng 30% là phân lân của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao” - anh Lập nói.
Anh Lập cho hay, tiêu chuẩn VietGAP là thực hành về sản xuất nông nghiệp tốt với 50 tiêu chí (đất, giống, nước, phân bón…). Sở dĩ anh dùng phân bón Lâm Thao vì hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giá cao vẫn đắt hàng
Tiêu chuẩn VietGAP là thực hành về sản xuất nông nghiệp tốt với 50 tiêu chí (đất, giống, nước, phân bón…). Phân bón Lâm Thao hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP vì các sản phẩm đều đáp ứng được tiêu chí an toàn. Supe lân được sản xuất trên nền axit sạch, độ tinh khiết đạt 99,8%, các sản phẩm NPK được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng: Cây trồng cần 17 nguyên tố dinh dưỡng chính để phát triển cân đối thì trong NPK có đầy đủ 17 nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali (đa lượng); canxi, magie, lưu huỳnh, silic (trung lượng); kẽm, đồng, molip đen, bo (vi lượng) được phối trộn cân đối. |
Theo lời anh Lập, thỉnh thoảng có cây bị những bệnh nấm hay gỉ sắt, anh chỉ sử dụng loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ hoặc ngắt bỏ để tránh lây lan sang cây khác. Để phòng các loại đó, anh Lập thường dùng phân vi sinh đối kháng và chế phẩm sinh học, mỗi năm bón 2 lần cho cây.
“Đặc biệt, măng tây là giống cây ưa sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì cây sẽ chết. Vì vậy, tôi đã đầu tư lắp hệ thống tưới tiêu tự động. Cần nói thêm, do không sử dụng thuốc trừ cỏ nên trang trại cũng tốn nhiều công làm cỏ hơn so với thông thường” - anh Lập chia sẻ.
Chủ nhân trang trại 1ha cho hay, mới nghe thì nhiều người cho măng tây là cây trồng “sang chảnh”, nhưng thực ra nếu hợp đất, hợp thời tiết thì cây rất dễ tính. Cây măng tây chỉ cần đầu tư trồng 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm liên tục từ 8 – 10 năm. Măng tây cho thu hoạch quanh năm, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.
“Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất cao, nhiệt độ trên 18 độ C bà con mới nên thu hoạch măng tây. Chỉ nên thu hái liên tục 23 ngày/tháng, còn lại nghỉ hái để dưỡng cây” - anh Lập chia sẻ.
Do áp dụng sản xuất hữu cơ, sản lượng măng tây xanh của trang trại Đức Lập thấp hơn so với các cơ sở sản xuất thông thường, chỉ đạt 1,3 tấn/tháng (trung bình 10 - 12 tấn/năm), và vào mùa đông thì sản lượng thấp hơn.
“Đổi lại, từ khi được chứng nhận VietGAP, các sản phẩm có tem nhãn rõ ràng, giá bán cao hơn sản phẩm thông thường từ 20.000 - 30.000 đồng, đạt 87.000 - 90.000 đồng/kg. Năm 2017, tôi thu nhập từ măng tây xanh được 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng” - anh Lập phấn khởi nói.
Theo: Thu Hà/danviet.vn