Bí thư huyện xắn tay cùng nông dân làm tre măng Bát Độ
- Thứ tư - 15/11/2017 02:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên địa bàn 7 xã, huyện đã triển khai trồng mới 58ha tre măng Bát Độ trên tổng số 200ha kế hoạch tỉnh giao.
Vườn tre măng Bát Độ giống |
Huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, triển khai nội dung các văn bản hướng dẫn của tỉnh về thực hiện đề án phát triển tre măng Bát Độ đến các xã trong vùng quy hoạch. Do nguồn giống không đảm bảo, chất lượng thấp nên bí thư huyện phải xắn tay vào làm, nhằm đẩy nhanh tốc độ trồng tre măng Bát Độ...
Văn Yên từ lâu được coi là “thủ phủ” của cây quế vùng Tây Bắc, với diện tích hơn 40.000ha. Nhưng cây quế tập trung chủ yếu ở các xã bên kia sông Hồng, còn các xã nằm dọc theo đường sắt bên này sông trồng sắn. Hiện giá sắn giảm, các nhà máy chế biến tinh bột cũng thờ ơ với cây sắn, do không tiêu thụ được sản phẩm. Vì thế, nhiều diện tích đất trồng sắn bỏ hoang, hoặc trồng các cây trồng khác nhưng hiệu quả thấp. Đưa cây tre măng Bát Độ trồng trên diện tích đó đang là nhu cầu cấp thiết của người dân.
Các đối tượng trồng tre măng Bát Độ được hỗ trợ là các hộ gia đình tham gia trồng mới với diện tích từ 0,5ha trở lên. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Văn Yên chia sẻ: Nếu nói đến cây phát triển kinh tế rừng ở Văn Yên sau cây quế thì phải nhắc đến cây tre măng Bát Độ. Bởi đây là loại cây đã được người dân trồng rất thành công và mang lại thu nhập cao. Chính vì thế, Văn Yên đưa cây tre măng Bát Độ vào chương trình phát triển kinh tế của huyện...
Ông Trần Huy Tuấn (phải) trao đổi với nông dân về cách chiết tay tre |
Năm 2017 huyện Văn Yên được giao trồng mới 200ha tre măng Bát Độ, từ đầu năm đến nay đã tiến hành trồng 58ha bằng măng củ do HTX Kiên Thành cung cấp giống. Tuy nhiên, do chất lượng giống chưa đảm bảo, khi trồng lại gặp thời tiết bất thuận như nắng quá lâu, trồng trên đồi nên củ măng bị thối, chết 31ha.
Nguồn cung cây giống chỉ trông vào một HTX, lại không được kiểm soát chất lượng nên Bí thư Trần Huy Tuấn (từng là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái) rất trăn trở. Ông tâm sự: "Khi thấy người nông dân đang loay hoay tìm nguồn cung về giống, tôi đã tìm các tài liệu hướng dẫn cách chiết từ tay tre để ươm giống cây. Sau khi đã tìm hiểu kỹ, tôi bàn trong Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo Phòng Nông nghiệp (UBND huyện) phải quyết tâm sản xuất cây giống để chủ động cung cấp cho người dân. Tôi đã xuống vườn xắn tay cùng các cán bộ tự cắt chiết các tay tre để làm giống mà chúng tôi đã học được, đồng thời hướng dẫn cho người dân cách làm".
Gia đình ông Huỳnh Cao Đại ở thôn Cầu Cao, xã An Bình có 5ha tre măng Bát Độ từ 3 - 5 tuổi, là nơi huyện Văn Yên sử dụng để ươm giống. Từ tháng 8 đến nay đã cắt chiết được hơn 4.000 cành chuẩn bị đưa vào bầu ươm. Dự kiến năm 2018, Văn Yên trồng mới 300ha, phải cần 15 - 16 ngàn bầu giống, kế hoạch hết năm 2020 trồng 1.000ha, số lượng giống cần từ 500 - 550 ngàn bầu giống. Đây chính là thách thức đối với huyện Văn Yên, vì thế mà Bí thư Trần Huy Tuấn phải xắn tay vào làm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Cao Đại cho biết: "Gia đình rất mong bà con các xã xung quanh cùng trồng cây tre măng Bát Độ trên diện tích sắn bỏ hoang để thành vùng, thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thu mua và chế biến...".
Nông dân chiết tre măng Bát Độ giống |
|
Ông Trần Huy Tuấn cùng làm tre giống với bà con nông dân |
Bí thư Trần Huy Tuấn cho biết thêm, Công ty CP Yên Thành đặt vấn đề với huyện, nếu Văn Yên có 2.500ha tre măng Bát Độ thì công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến tại Văn Yên. Chính vì thế mà Văn Yên quyết tâm xây dựng thành một vùng tre măng Bát Độ đáp ứng nhu cầu thị trường... |