Bí thư nông thôn mới

LSO-Mười năm làm Chủ tịch UBND, 5 năm đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), tự sơ kết lại chặng đường, Bí thư Lăng Văn Thạch nói vui: có nhiều việc cũng liều! Nói vậy chứ cả xã ai cũng biết cái “liều” của ông là liều có cơ sở, dựa trên ý chí, nguyện vọng của nhân dân và vì nhân dân.
Bí thư Lăng Văn Thạch nghiên cứu quy hoạch nông thôn mới huyện Chi Lăng

Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn mà người dân xã Chi Lăng gọi vui là “những ngày không ngủ”. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, toàn xã bị xới tung như đại công trường. Những tường rào chắn tầm nhìn đường nội thôn được người dân tự nguyện dỡ bỏ; nhiều gia đình quy hoạch lại hẳn nhà cửa của mình cho hợp lý; từng con đường giao thông được san rộng để bê tông hóa đạt chuẩn; những nhà văn hóa thôn cũ cũng dần dần được thay thế bởi nhà văn hóa mới khang trang, rộng rãi; cổng làng “mọc” lên đầu mỗi thôn...

Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Thạch vốn có lối nói chuyện chậm rãi. Ấy thế nhưng nhắc đến nông thôn mới, cái vẻ thủng thẳng ấy nhường chỗ ngay cho sự sôi nổi, hào hứng và dường như nói quên thời gian. Từ lúc bắt đầu cho đến khi tàn chuyện, không lúc nào ông Bí thư không nhắc đến người dân. Ông khẳng định: không có sự đồng thuận của nhân dân, sẽ không có nông thôn mới. Nông thôn mới là do chính người dân làm và làm cho chính người dân.

Nói khẩu hiệu thì dễ, nhưng làm thế nào để có sự đồng thuận ấy và liên kết lại để người dân cùng đồng lòng lại là việc rất khó. Những ngày đầu tiên bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, người mất ngủ đầu tiên có lẽ là Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Lăng Văn Thạch. Cái khó đầu tiên là mặt bằng để xây dựng công trình công cộng. Theo quy hoạch thì có cả trăm công trình lớn nhỏ phải thi công. Nguồn ngân sách eo hẹp không thể nào kham nổi kinh phí giải phóng mặt bằng. Xã hội hóa là việc làm bắt buộc, nhưng xã hội hóa bằng cách nào?  Bí thư Lăng Văn Thạch tâm sự: thời điểm này cũng là lúc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhận định, phải vận dụng sáng tạo Cuộc vận động trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng tới gần dân, sát cơ sở; nêu cao vai trò của người đảng viên và sự năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, vì việc chung. Tìm hiểu trong dân, thì xây dựng các công trình công cộng là mong muốn chung, nhưng nguồn lực của nhân dân không thể tập hợp, huy động đủ ngay được. Bí thư Lăng Văn Thạch quyết định táo bạo, thế chấp sổ đỏ của gia đình, vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng ứng trước để giải phóng mặt bằng. Một số tiền quá lớn mà chỉ việc nghĩ đến tiền lãi hàng tháng cũng đã khiến cả gia đình nhiều đêm thức trắng. Ngần ấy tiền vẫn chưa đủ, Bí thư đề xuất với các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã thế chấp bảng lương vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng.

Anh Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Bí thư tiên phong rồi, cán bộ chúng tôi đồng tình hưởng ứng, cũng nhiều lo lắng, nhưng chúng tôi có niềm tin, bởi việc làm của mình là vì tập thể, vì nhân dân, vài vụ na là người dân sẽ huy động đủ tiền, việc cần trước mắt là cần có mặt bằng thật nhanh. Với cách làm ấy, chỉ trong vòng 4 năm, xã Chi Lăng đã giải phóng được 3.400 mét vuông, bàn giao mặt bằng kịp thời để xây dựng các công trình thiết yếu theo quy hoạch.  Ngoài việc ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng, Bí thư Đảng ủy, thành lập các tổ công tác, trong đó bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của xã trực tiếp xuống thôn, đến từng hộ gia đình, trực tiếp cùng nhân dân bàn bạc, thống nhất trong xây dựng nông thôn mới. Ông Thạch khẳng định: phương châm là cán bộ phải lăn lộn cùng nhân dân, công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm; chỉ đề ra biện pháp thôi chưa đủ, mà phải thường xuyên xuống thôn bản, lắng nghe nhân dân, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhân dân. Người dân xã Chi Lăng đã dần quen thuộc với hình ảnh những cán bộ lãnh đạo xã cùng với họ nhặt từng mẩu rác, dọn dẹp từng tuyến đường làng. Cũng chính từ thực tiễn ấy, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã Chi Lăng đã có sáng kiến xây dựng hố thu gom và đốt rác ở mỗi gia đình, giải quyết tiêu chí về môi trường, tiêu chí mà nhiều nơi lúng túng.

Ông Triệu Sơn, Trưởng thôn Làng Cằng phấn khởi: Bí thư Đảng ủy xã đi đầu, cùng với các cán bộ gần dân, sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm vì việc chung đã tạo sự đồng thuận từ nhân dân, khơi dậy nguồn lực to lớn từ khối đại đoàn kết toàn dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, nhân dân xã Chi Lăng đã huy động đóng góp 30 tỷ đồng, chiếm gần ½ tổng số kinh phí cho xây dựng nông thôn mới của toàn xã.

Cuối năm 2014, xã Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên của toàn tỉnh được công nhận là xã nông thôn mới. Bí thư Lăng Văn Thạch cười: vẫn chưa hết mất ngủ đâu nhà báo ạ, được công nhận rồi thì phải củng cố và giữ vững danh hiệu đó; các tiêu chí đã đạt rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện... còn nhiều việc để làm lắm; trong quá trình ấy, xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của nguồn lực nội sinh.

Theo: baolangson.vn