Biến vùng đất 'chết' thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao

Biến vùng đất 'chết' thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao
Thôn Hòa Thanh, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) một thời từng được ví là “vùng đất chết” nhưng bằng quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm”, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy và anh Huỳnh Hữu Vân đã vươn lên làm giàu từ những loại cây ăn quả có múi.
16-57-31_chi_thuy_ben_vuon_quyt_si_tri
Chị Thủy bên vườn quýt sai trái

Quê anh Vân, chị Thủy ở miền sông nước Vĩnh Long. Năm 1997 hai vợ chồng dắt nhau lên Đắk Lắk và chọn mảnh đất thôn Hòa Thanh, xã Ea Nuôl làm nơi lập nghiệp. Thời ấy, vùng đất này còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, cuộc sống rất khó khăn. Thời gian đầu vợ chồng anh chị mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá bên dòng sông Sêrêpốk. Sau đó anh chị tích góp được ít tiền mua đất trồng đủ loại cây như cà phê, điều... nhưng do đất đai cằn cỗi, bạc màu nên cây trồng không phát triển.

Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2012 anh Vân, chị Thủy bắt tay cải tạo đất cho thật tơi xốp rồi về quê nhà mang giống cam, quý lên trông thử. Thời gian đầu, việc trồng cây gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước. Các loại cây ăn quả đòi hỏi nguồn nước tưới ổn định, quanh năm nên anh phải đầu từ hệ thống bơm nước từ dưới suối sâu lên tưới, đồng thời đào, khoan thêm giếng để chủ động nước tưới vào mùa khô hạn.

Sau hai năm trồng, chăm sóc cẩn thận, cuối cùng anh chị cũng thu được “quả ngọt trên vùng đất chết”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy tâm sự: Để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng chị phải đổ nhiều công sức, tiền của suốt hai năm ròng. Nhìn cây lớn lên từng ngày, ra hoa kết trái cho quả ngọt khiến chị mừng rơi nước mắt.

“Trồng cho cây sống thì ai cũng làm được nhưng để cây phát triển tốt, cho quả to, mọng nước, vị ngọt, múi không bị khô, sượng đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc từ khâu vun gốc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, liều lượng. Chú ý sử dụng phân bón sinh học vừa tốt cho đất, hạn chế sâu bệnh hại. Nhờ có kinh nghiệm trồng cây từ thời còn ở dưới quê Vĩnh Long nên anh chị không gặp khó khăn mấy. Đặc biệt anh chị có “bí quyết” để cây cho trái quanh năm” , chị Thủy chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi.

Trồng thêm nhãn để đa dạng hóa cây trồng

Với diện tích 8 sào cam, quýt cho quả quanh năm, giá bán cam, quýt tại vườn dao động từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, đợt cao điểm mùa khô giá tăng lên 30 - 35 nghìn đồng/kg cho thu gần 300 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, còn lời khoảng 200 triệu đồng. Ngoài trồng cam, quýt, gia đình chị còn trồng thêm nhãn, thanh long… nhằm đa dạng cây trồng, kiếm thêm thu nhập.

Bà Lê Thị Bình Ly, cán bộ Khuyến nông xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk nhận xét: Quá trình vượt khó, vươn lên làm giàu trên vùng đất bạc màu, cằn cỗi nhờ trồng các loại cây ăn quả có múi của gia đình anh Huỳnh Hữu Vân và chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (thôn Hòa Thanh) khiến nhiều người trong thôn, xã cảm phục. Vườn cây trái của gia đình trở thành điểm tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho các hộ khác học hỏi, làm theo. Tuy nhiên, người dân không nên phát triển ồ ạt, cần tính toán đầu ra ổn định cho sản phẩm để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, giá cả giảm xuống.

Theo: Huỳnh Quang/nongnghiep.vn