Trận đánh Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành sự kiện bi tráng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chỉ với 88 con người, 5 cánh quân biệt động thành đã làm rúng động Sài Gòn và dư luận thế giới.
Theo đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), lực lượng biệt động khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp, bắt nguồn từ những đội vũ trang, tự vệ của người dân ở khu vực này từ thời tiền khởi nghĩa và Nam Bộ kháng chiến.
Nhưng chính thức ra đời thì phải kể đến chuyến mạo hiểm vào thành thị sát của Khu trưởng Nguyễn Bình. Và đi liền với đó là quyết định hợp nhất các nhóm vũ trang trong nội đô để thành lập Ban Công tác thành vào tháng 3/1946.
Trải qua suốt thời kỳ 9 năm chống Pháp, lực lượng này không ngừng được kế tục và phát triển, trở thành nỗi kinh hoàng và khiếp sợ của thực dân, tay sai bán nước.
Truyền thống hào hùng
Lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từng bước lớn mạnh và trưởng thành hơn về nhiều mặt. Kể từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương mở đường cho cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân trên toàn miền Nam, các lãnh đạo cuộc kháng chiến đã luôn chú trọng, phát triển lực lượng vũ trang nội đô, đặc biệt là qua 2 hội nghị quân sự quan trọng của Quân khu Sài Gòn - Gia Định được tổ chức trong tháng 9 và tháng 10/1961.
Đến năm 1963, 4 đơn vị biệt động cấp quân khu được thành lập, gồm 65, 67, 69 và bộ phận trinh sát hoạt động ở nội thành. Một năm sau, thành lập thêm các đội 66, 68. Biệt động cấp quân khu được thành lập, đánh dấu bước phát triển trong quy mô và hiệu quả của trận chiến trong nội đô với những chiến công vang dội.
Điển hình là trận đánh rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho sĩ quan Mỹ, trận đánh mìn hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, trận đánh chìm tàu quân sự US Card tại cảng Sài Gòn, trận đánh vào khách sạn Caravelle và cư xá Brink. Và Mậu Thân 1968 chính là đỉnh cao chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Kế hoạch X
Ông Tư Chu hồi tưởng: “Để chuẩn bị cho “kế hoạch X”, ngay từ năm 1965, ông đã được cấp trên giao điều nghiên 25 mục tiêu. Nhưng đến trước thời điểm xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968, con số này được rút xuống còn 9 mục tiêu. Lực lượng F100 - Đoàn Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định cũng được giải thể, tổ chức lại thành 3 cụm biệt động: 6-7-9, 3-4-5 và 1-2-8.
Ông đảm nhiệm vai trò Phó Tư lệnh Phân khu 6 kiêm chỉ huy trưởng lực lượng biệt động trong sự kiện Mậu Thân. Các đơn vị biệt động được lệnh tập kích, đánh chiếm và giữ mục tiêu chờ lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng để tăng cường sức đề kháng tại chỗ, bảo đảm giữ được 1 giờ, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu tiến vào chiếm giữ mục tiêu. Bộ Chỉ huy tiền phương 2 đã chỉ đạo chuyển các đơn vị biệt động cho các phân khu…
Những chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong một lần họp mặt giữa thời bình. Ảnh do ông Tư Chu cung cấp
Bà Nguyễn Thị Nhung, trinh sát Cụm Biệt động 2 đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy, kể: “Khoảng một tháng trước đó, tôi được giao nhiệm vụ chuyển vũ khí xuống, cất giấu ở hầm nhà một cơ sở gần Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Vũ khí gồm 4 cây B40, 5 thùng đạn AK, súng ngắn... Tôi được phân công đúng giờ thì tới điểm hẹn, lên xe, vào thành và đến cất tại một địa chỉ được quy định làm kho vũ khí ở nội thành. Thật may mắn là kho vũ khí này không bị hư hỏng khi vào trận”. Mũi tấn công Đại sứ quán Mỹ cũng gặp phải những chuyện không thể ngờ tới.
Chiếc xe chở quân từ Củ Chi vào nhà cơ sở trong nội thành để ém quân. Các chiến sĩ biệt động vừa bước chân vào nhà đã nghe tiếng tri hô “cướp! cướp!” nên buộc phải lên xe “tẩu thoát” ngay sau đó. Lý do là anh chủ nhà đã không thông báo cho vợ biết trước về sự hiện diện của các chiến sĩ biệt động. Còn chiếc xe chở một lượng lớn vũ khí của cánh Ba Báo thì đụng phải một tay anh chị, bồi thường số tiền lớn mới đi được...
Bi tráng
Giờ G đã điểm (2 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, tức ngày 31/1/1968). Các đội trưởng sau thời gian căng thẳng, dõi mắt nhìn đồng hồ nhích từng giây từng phút đã phát lệnh tấn công. Toàn bộ các chiến đấu viên ở 5 mục tiêu đồng loạt xung phong. Khắp Sài Gòn rung chuyển dữ dội bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và các loại súng đồng loạt khai hỏa.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, 11 chiến sĩ biệt động do Năm Lộc chỉ huy chia làm 2 mũi tấn công chớp nhoáng chiếm được mục tiêu chỉ sau 15-20 phút. Đại tá Đặng Xuân Tẻo, chính trị viên Đội 4 biệt động, nhớ lại: “Nhiệm vụ của đội là đánh chiếm và giữ đài phát thanh trong vòng 2 giờ, đồng thời phát đi lời hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó sẽ có đại quân đến tiếp nhận. Nhưng tụi tôi giữ cho tới 4 giờ sáng vẫn không thấy đại quân mình tới. Chỉ thấy lực lượng của địch phản công rất quyết liệt”.
Cùng lúc đó, 2 xe du lịch chở 15 chiến sĩ đội 11 biệt động do Ba Đen chỉ huy cũng nhanh chóng áp sát mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Tiếng bộc phá nổ dữ dội, đánh sập một mảng tường bao...
Ở hướng mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy, dù 1 trong 2 xe chở lực lượng biệt động bị nổ lốp phải hành quân bộ nhưng cả hai đội 8 và 9 biệt động, với quân số 24 người do Ba Phong dẫn đầu, đã kịp thời hợp đồng tác chiến, tấn công vào mục tiêu đã định trước. Ngô Bá Chính, chiến đấu viên Cụm Biệt động 2 đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy, nhớ lại: “Vì hỏa lực mình mạnh quá, B40 mà nện vô thì lô cốt chịu không nổi, mình chiếm được cổng. Nhưng bố phòng của địch quá dày đặc nên khi mình vô trong thì đụng phải hỏa lực rất mạnh bắn trả”.
Hướng Dinh Độc Lập, một tràng AK hạ gục những tên lính gác cổng, 14 chiến sĩ Đội 5 biệt động do Ba Thanh chỉ huy tiến về phía trước. Khối bộc phá lâu ngày ẩm mốc không nổ khiến đội hình lâm vào thế bất lợi. Anh em không thể tiến sâu vào mục tiêu do địch phản kích dữ dội. Đội 5 phải rút vào ngôi nhà cao tầng ở hướng đối diện và cố thủ trên tầng 3…
Cuộc đối đầu đã diễn ra ác liệt giữa lực lượng biệt động với đối phương đông gấp trăm lần. Giữ mục tiêu trong nhiều giờ liền nhưng lại không có quân tiếp viện, sự hy sinh của các anh gần như là tất yếu…
Theo dantri.com.vn