Lãnh đạo tỉnh Bình Định, đề nghị Công ty Bảo hiểm PJICO sớm bán bảo hiểm cho chủ tàu 67, tránh tình trạng nằm bờ vì không mua được bảo hiểm cho tàu cá.
Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, do tỉnh Binh Định tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, đề nghị Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO sớm bán bảo hiểm, tránh tình trạng nằm bờ dài ngày, vì không mua được bảo hiểm.
Do nằm bờ lâu ngày, nhiều tàu cá vỏ thép bị hoen rỉ
Thực tế cho thấy: ngư dân, ngân hàng và công ty bảo hiểm, ai cũng muốn “nắm cái cán”, chưa có tiếng nói chung, trong vấn đề bảo hiểm cho “tàu 67”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, phải sớm có giải pháp tháo gỡ, cụ thể trách nhiệm của ngư dân, công ty bảo hiểm. Tàu 67 không chỉ là tàu KTTS mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bình Định hiện có 61 “tàu 67” đóng mới, hiện, có 4 tàu bị chìm, 3 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ, không hoạt động, còn lại 54/61 tàu hoạt động KTTS.
Tuy nhiên, từ tháng 8.2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO) không bán bảo hiểm, khiến ngư dân để tàu nằm bờ.
Không có bảo hiểm, ngư dân muốn ra khơi cũng không được, phần vì trái quy định của Nhà nước, phần vì tàu là tài sản từ vốn vay ngân hàng, nên bên cho vay cũng không cho tàu ra khơi, bởi rủi ro, tổn thất quá lớn.
Hiện, cả tỉnh có 29 tàu hết hạn bảo hiểm, phải nằm bờ. Nếu tính đến 1.1.2020, số tàu hết hạn bảo hiểm tăng lên 37 tàu và đến tháng 7.2020 thì toàn bộ đội “tàu 67” gồm 57 tàu của ngư dân Bình Định sẽ hết hạn bảo hiểm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Mặc dù tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, nhưng Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Họ không bán bảo hiểm thì tàu tiếp tục nằm bờ, ngư dân không có thu nhập, và hệ lụy là không có tiền trả nợ ngân hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67”.
Nhiều tháng qua, tàu vỏ thép BĐ 99016 TS của ngư dân Lê Văn Thãi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) phải phơi mình tại cảng Đề Gi, vì hết hạn bảo hiểm, nhưng không mua được hợp đồng mới.
Ông Thãi cho biết: “Tàu tôi mua bảo hiểm tháng 7.2018 với số tiền hơn 50 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%; giá trị bảo hiểm con tàu hơn 11 tỷ đồng. Khi hết hạn, Công ty CP Bảo hiểm PJICO Bình Định từ chối bán bảo hiểm.
Đến nay, tôi chỉ mới trả nợ cho ngân hàng được hơn 400 triệu đồng, mà tàu thì nằm bờ, biết lấy đâu ra tiền trả nợ”.
Chia sẻ khó khăn với ngư dân, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: “Các “tàu 67” nằm bờ, ngân hàng không cơ cấu lại các khoản nợ. Còn công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm, dẫn đến tình trạng ngư dân bức xúc khiếu nại, khiếu kiện.
Tại huyện Hoài Nhơn có 3 “tàu 67” bị chìm trên biển, đến giờ các chủ tàu cũng chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm”.
Theo Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO - đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm “tàu 67” cho ngư dân Bình Định, thời gian qua, có nhiều vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân, không tìm được xác tàu, số vụ chìm tàu tăng đột biến, khiến đơn vị tổn thất nặng. Riêng tháng 7.2019, có 7 vụ (kể cả tàu cá vỏ gỗ), tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO, cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có chỉ đạo dừng bán bảo hiểm “tàu 67”. Đơn vị chỉ tạm dừng để đánh giá, sắp xếp lại quy trình cấp bảo hiểm, giải quyết bồi thường theo luật định.
Sau cuộc họp tại UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi khảo sát thực tế, để đánh giá lại giá trị các con tàu, để xác định giá trị bảo hiểm, và sẽ sớm bán bảo hiểm cho ngư dân.
Trong quá trình kiểm tra thực tế, nếu ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản, như: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá, danh sách thuyền viên… chúng tôi sẽ bán bảo hiểm ngay”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhìn nhận: PJICO có quyền đánh giá lại giá trị các con “tàu 67” để bán bảo hiểm cho ngư dân. UBND tỉnh cũng đề nghị PJICO làm lại trong thời gian nhanh nhất, và khoa học, để xác định khấu hao tài sản và bán bảo hiểm trở lại cho ngư dân.
Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT, các huyện, thành phố ven biển, phải nhanh chóng vào cuộc phối hợp đồng bộ cùng PJICO, và ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, tiếp cận các quy định mua bảo hiểm tàu cá sớm nhất.
Khánh Hoà: Giúp ngư dân vững tâm bám biển
Những năm qua, Liên đoàn Lao động Khánh Hòa đã tập trung vận động ngư dân gia nhập các nghiệp đoàn nghề cá. Nhờ đó, đã trở thành điểm tựa, giúp ngư dân vững tâm bám biển.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, Công đoàn tỉnh đã thành lập được 9 nghiệp đoàn nghề cá, phát triển hơn 1.400 đoàn viên là chủ tàu và thuyền viên.