Bình Dương chuyển mình ngoạn mục

Bình Dương chuyển mình ngoạn mục
Bình Dương - vùng đất thuộc tỉnh Sông Bé cũ trước đây được biết đến như là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Từ một vùng nông thôn Nam bộ đặc trưng, ngày nay quá trình công nghiệp hóa đã mang về cho Bình Dương diện mạo mới, trở thành tỉnh công nghiệp năng động nhất cả nước.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 40 lần so với hồi mới tái lập tỉnh (1997), thu ngân sách tăng 36 lần... Hiện nay, với cơ cấu công nghiệp chiếm đến 62%, dịch vụ trên 35%, nông nghiệp còn 3%, tỉnh Bình Dương đã cơ bản “đạt chuẩn công nghiệp hóa”, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân với mức thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2013 đạt xấp xỉ 60 triệu đồng/người/năm.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất là điều kiện tiên quyết để cả nước đổi mới phát triển. Bình Dương đã đổi thay từ đó, nhưng có lẽ bước ngoặt dẫn đến bước nhảy vọt “ngoạn mục” của địa phương này chính là việc được chia tách tái lập tỉnh vào năm 1997.

Hoàn tất sản phẩm gỗ tiện xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc (Tân Uyên, Bình Dương)


Kể từ ngày “ra riêng”, Bình Dương chuyển mình bằng tư duy mới thực hiện chính sách “Trải chiếu mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”. Bằng việc chuyển dịch đúng hướng này đã đặt nền móng quá trình công nghiệp hóa phát triển vững chắc trong gần 2 thập kỷ qua.

Bước khởi động phải kể đến là từ khi Khu công nghiệp Sóng Thần đầu tiên đưa vào hoạt động đã thu hút nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc đầu tư kinh doanh hiệu quả đã “mở màn” cho hàng loạt khu công nghiệp sau này. Nhận thấy cơ hội đã mở ra, Bình Dương nhanh chóng quy hoạch hệ thống khu công nghiệp hình thành khắp địa bàn các huyện, thị để tạo mặt bằng đất đai sẵn có để đón các nhà đầu tư.

Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn tỉnh đã phát triển đến 28 khu công nghiệp tập trung diện tích hơn 10.000 ha, trong đó có nhiều khu công nghiệp đã lấp kín 100% diện tích.

Hiện nay tại Bình Dương đã có 2.255 dự án doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Riêng trong quý I/2014, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào địa phương này với 728 triệu USD. Đáng chú ý, số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn khu công nghiệp đang bổ sung tăng thêm vốn gấp 3 lần số vốn đăng ký đầu tư mới.

Điển hình về hình mẫu các khu công nghiệp có môi trường đầu tư hiệu quả nhất phải kể đến Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore. Đây là mô hình khu công nghiệp không chỉ thành công ở trong tỉnh mà đã vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi…

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng: Vai trò kinh tế chủ đạo của Bình Dương hôm nay là nhờ công nghiệp, một nền công nghiệp phát triển cơ bản với tỷ lệ chiếm 62% trong cơ cấu kinh tế là bước tiến không hề dễ dàng. Thành quả này chính là sự đột phá từ cách nhìn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương để phát huy lợi thế, xác định chiến lược đúng đắn. Tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng bền vững khi kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn khiến nhiều tỉnh, thành sụt giảm, thu ngân sách không đạt…

Kinh tế của Bình Dương vẫn tăng ổn định, công nghiệp có tốc độ phát triển khoảng 15-20%/năm và thu hút mạnh vốn các nhà đầu tư. Với nền tảng sẵn có này, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu quyết tâm đưa Bình Dương “về đích” trở thành tỉnh công nghiệp sớm nhất cả nước.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Công: “Ở đâu có nhà máy ở đó có cuộc sống công nghiệp. Chỉ cần kéo kỹ sư về làng, đưa công nhân về xã thì vùng nông thôn đó sẽ trở thành đô thị”. Lòng tin của Chủ tịch tỉnh Bình Dương là “có lý” bởi trong gần 10 năm qua, bằng “chiến dịch” đưa công nghiệp chuyển dịch sang các huyện thuần nông ở phía Bắc như: Bến Cát, Tân Uyên và Phú Giáo, đã có tác dụng rất lớn. Nhà máy đi đến đâu công nghiệp phát triển ngay đến đó.

Điển hình cho “công nghiệp hóa- hiện đại hóa” tại Bình Dương là vùng đất thuần nông “mưa lầy, nắng bụi” Bến Cát. Vùng đất này nay đã “thay da đổi thịt” không ngờ - Bến Cát thăng hạng lên thành một thị xã công nghiệp đặc trưng của tỉnh hồi cuối tháng 3/2014 vừa qua.

Bí thư Thị ủy Bến Cát Nguyễn Minh Thủy khoe với chúng tôi: Về Bến Cát bây giờ ở đâu cũng nghe "hiện đại hóa- công nghiệp hóa". Đi đến xã nào, phường nào của thị xã cũng thấy sự hiện diện nhà máy sản xuất công nghiệp. Tại khu địa đạo “Tam giác sắt” oai hùng (thuộc xã An Tây) còn in đậm dấu tích chiến tranh tàn phá. Vùng đất khói lửa nay chuyển mình thành “đất xanh” cho những khu công nghiệp hình thành.

Hai khu công nghiệp Việt Hương 2 và An Huy mở ra tại xã An Tây đã đưa công nghiệp về xã, về làng. Nhờ đưa công nghiệp tiến về nông thôn, mà thị xã Bến Cát hiện có đến 10 khu công nghiệp tập trung quy mô lớn với diện tích lên đến hơn 4.000 ha, thêm 5.000 ha đất phát triển khu đô thị đã hình thành nên một diện mạo mới cho vùng đất Bến Cát anh hùng.

Thực tế Bình Dương còn 3% cơ cấu nông nghiệp với hơn một nửa dân số trong tỉnh sống với nghề nông. Mới đây, trong chuyến khảo sát về kinh tế của Bình Dương, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đánh giá đây là tỉnh đặc biệt nhất Việt Nam, bởi quá trình công nghiệp hóa vẫn giữ vững phát triển nông nghiệp.

Cụ thể, đóng góp giá trị nông nghiệp chiếm hơn 12% cơ cấu GPD toàn tỉnh Bình Dương là một con số ấn tượng. Thu ngân sách của tỉnh trong năm 2013 đạt xấp xỉ 30 nghìn tỷ đồng thì ngành nông nghiệp đã đóng góp tới 12%. Đây là minh chứng rõ ràng về thành quả của ngành nông nghiệp đã mang lại cho Bình Dương.

Có thể nói, Bình Dương không chỉ có tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mà hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở địa phương này.
Dương Chí Tưởng
Nguồn baotintuc.vn