Bình Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững

Bình Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững
Xác định mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, Đảng bộ, chính quyền huyện miền núi biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

 

Khai thác lợi thế

Bình Liêu là huyện miền núi có 96% dân số là người dân tộc thiểu số, và có 6/8 xã có đường biên giới, dài gần 43 km. Không chỉ có rừng, núi mà Bình Liêu còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với những cánh rừng hồi, rừng quế, rừng sở thơm ngát, những ruộng bậc thang, cao nguyên cỏ trù phú và vẻ đẹp tự nhiên của thác Khe Vằn ở xã Húc Động, thác Khe Tiền, thác sông Moóc A. Đỉnh Ba Lanh ở xã Đồng Văn cao 1.050 m so với mặt nước biển… Bức tranh đa sắc màu là những lợi thế để Bình Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Lê Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cho biết: Với lợi thế lâm nghiệp, những năm qua xã đẩy mạnh giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây giống để đồng bào đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Đồng Văn đã trồng 120 ha rừng tập trung, chủ yếu là cây quế, cây hồi, cây sở, cây keo. Cây hồi, cây quế được bà con chăm sóc tốt, thu hoạch hoa hồi vụ chiêm năm nay đạt hơn 20 tấn quả tươi, giá trung bình 8.000 đến 9.000 đồng/kg. Bà con các khe, bản còn phát triển nuôi dê ở Khe Mọi, Phai Lầu, Phạt Chỉ, rừng chuyên canh cây sở ở bản Cầm Hắc, Phai Lầu, Đồng Thắng. Phát triển nuôi ong mật ở các bản Sông Moóc A, Sông Móc B, Khe Mọi, Khe Tiền, Cầm Hắc, Phai Lầu.

Dẫn chúng tôi tham quan con đường bê-tông nối từ Đồng Văn đến cửa khẩu Hoành Mô, Bí thư Lê Văn Bình phấn khởi cho biết: Con đường này có chiều dài 6 km với tổng số vốn đầu tư 99 tỷ đồng, được xây dựng cuối năm 2000. Trước đây bà con các dân tộc Đồng Văn muốn về huyện, đến cửa khẩu để buôn bán tiêu thụ nông sản, phải đi qua con đường “đau khổ” gập ghềnh sỏi đá, đầy ổ gà, ổ voi, ai ai cũng cảm thấy e ngại. Nay nhờ có đường bê-tông, việc đi lại, trao đổi, mua bán hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều, bà con có “đồng ra, đồng vào”, cuộc sống khấm khá hơn.

Đến xã Húc Động, giáp biên giới Việt - Trung, nơi sinh sống của 530 hộ dân và 2.500 nhân khẩu, đa số là người dân tộc thiểu số. Đồng chí Ninh Sinh An, Bí thư đảng ủy xã chia sẻ “Rào cản lớn nhất trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã trong thời gian qua là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu kinh tế chưa rõ nét, sản xuất chưa tập trung, chưa có tính liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tiềm năng chưa đầu tư khai thác tốt”.

Nhận diện những khó khăn, hạn chế trong những năm qua, nhất là sau khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nghị quyết của Đảng ủy xã đã xác định sản xuất nông, lâm nghiệp làm ngành kinh tế chủ lực của xã, vì vậy xã chỉ đạo hướng dẫn nhân dân tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại giống mới có năng suất cao. Đến nay Húc Động đã đưa 100% số giống lúa mới vào sản xuất vụ chiêm, vụ mùa cũng được hơn 80% diện tích. Đồng thời chuyển một vụ lúa sang hai vụ đối với những nơi có điều kiện, hoặc một vụ lúa, một vụ màu. Ngoài ra, xã còn phát triển trồng rừng tập trung, ổn định diện tích trồng cây dong riềng hằng năm, với diện tích từ 90 đến 120 ha để chế biến miến dong, đạt từ 30 đến 35 tấn/năm, đồng thời vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển đàn gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng mô hình nuôi dê, nuôi cá nước chảy, nuôi ong lấy mật.

Đổi mới bộ mặt nông thôn

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi trở lại xã Hoành Mô, nơi có cửa khẩu quốc gia Hoành Mô, nhưng Hoành Mô vẫn là xã miền núi, biên giới với 50% số lao động là nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trưởng bản Nà Sa Hà Cặm Dường cho biết: “Trong ký ức của người dân bản Nà Sa, nơi đây là vùng đất hoang hóa, đầy cỏ dại, ngày đầu chỉ 12 hộ dân đến lập nghiệp, trong đó 100% là hộ nghèo. Nhớ ngày nào bản chỉ có vài nóc nhà, đến nay bản đã có 36 ngôi nhà và chỉ còn sót bốn hộ nghèo. Đời sống ngày càng ổn định cho nên bà con yên tâm lập nghiệp tại đây”.

Đặc biệt từ ngày triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động tối đa sự tham gia của người dân. Chỉ tính riêng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, xã đã vận động được 1,6 tỷ đồng, hơn 2.500 ngày công lao động, hiến 1.200 cây lâu năm và hơn 200 m2 đất để làm đường dân sinh. Nhờ vậy nhiều tiêu chí khó, tưởng như không hoàn thành như đường giao thông, thì nay được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến nay, 100% số đường liên xã, liên thôn được cứng hóa, đường làng, ngõ xóm sạch, không lầy lội trong mùa mưa. Xã đã đạt 15/19 tiêu chí, 33/39 chỉ tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm nay đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Được biết, ngoài Hoành Mô, còn hai xã Vô Ngại, Lục Hồn đang phấn đấu trở thành những xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Bình Liêu. Tuy nhiên, để huyện miền núi biên giới không còn là vùng khó khăn, rất cần sự chung tay góp sức của cả nước, cũng là bảo vệ vững chắc vùng phên dậu của đất nước.

Theo nhandan.org.vn