Bình Phước: Hiệu quả từ làm đường theo cơ chế đặc thù
- Thứ năm - 08/01/2015 01:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Văn phòng điều phối CTMTQG về xây dựng NTM, năm 2014, UBND tỉnh đã bảo lãnh mua xi măng trả chậm cho các huyện, thị xã xây dựng đường GTNT đạt gần 70% nhu cầu với 2.704 tấn xi măng, làm được 22,221km đường.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Tính đến nay đã có 7 huyện, thị xã với 20 xã, phường làm đường GTNT theo cơ chế này. Hầu hết các tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả. Ông Bùi Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: Hiện xã mới thực hiện thí điểm một tuyến đường dài 1,1km ở tổ 3 (ấp 7). Tuyến đường này được tỉnh hỗ trợ 14 tấn xi măng; huyện đối ứng cát, đá với tổng kinh phí 470 triệu đồng, còn người dân đóng góp 90 triệu đồng (1,5 triệu đồng/hộ) để giải phóng mặt bằng, đào mương thoát nước và trực tiếp thi công công trình.
Bí thư Xã đoàn Minh Hưng (Bù Đăng) cùng lực lượng dân quân giúp dân làm đường
Ông Hoàng Văn Viện, Trưởng ban điều hành ấp 7 nói: Để thực hiện tuyến đường này, Ban điều hành ấp thành lập một tổ gồm 12 người, phối hợp cùng cán bộ mặt trận giám sát công trình. Các hộ dân được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm từ 9 đến 10 người luân phiên nhau thi công. Sau gần 2 tháng thực hiện, tuyến đường đã hoàn thành, người dân rất phấn khởi.
“Trước đây, con đường này rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Nay có đường mới, tôi rất mừng, chỉ mong các tuyến đường còn lại của ấp cũng như các ấp khác được hỗ trợ để người dân chúng tôi cùng chung tay thực hiện” - chị Hoàng Thị Yến ở ấp 7, xã An Khương chia sẻ.
Cũng làm theo cơ chế này, đến nay xã Minh Thành (Chơn Thành) đã hoàn thành 6 tuyến đường với tổng chiều dài 2,9km. Là một trong những người dân được hưởng lợi từ những công trình này, anh Nguyễn Minh Thành ở tổ 6 (ấp 1) mong Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con.
NHƯNG CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Việc xây dựng đường GTNT theo cơ chế đặc thù bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Đó là khi huyện không có khả năng đối ứng đá, cát; các tuyến đường nông thôn có nền hạ không đảm bảo; dân cư sinh sống không tập trung... dẫn đến người dân phải đóng góp cả tiền và ngày công làm đường.
Làm đường nông thôn ở xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài)
Thực tế cho thấy, xã Minh Hưng (Bù Đăng) làm được 8 tuyến đường với tổng chiều dài 1,5km. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 250 tấn xi măng, huyện không có khả năng đối ứng đá, cát, người dân đã phải đóng góp khoảng 500 triệu đồng và trực tiếp thi công công trình. Vừa phải đóng tiền mua đá, cát, vừa phải bỏ sức làm đường nên lúc mới triển khai nhiều hộ dân không đồng ý. UBND xã phải tuyên truyền, vận động nhiều lần. Phó chủ tịch UBND xã Trần Văn Tuyển cho biết: Để hoàn thiện các tuyến đường, xã phải trích 50 triệu đồng từ vốn sự nghiệp giao thông và vận động các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng bán đá, cát cho dân theo phương thức trả chậm. Nhờ vậy, toàn bộ số xi măng tỉnh hỗ trợ đều được sử dụng.
Việc xây dựng đường GTNT theo cơ chế đặc thù đã huy động được đông đảo nhân dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một trong những giải pháp hay giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công cuộc xây dựng NTM. Nhờ đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước không còn. Ông Nguyễn Văn Tới, Chánh văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng NTM. |
Ông Bùi Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khương nói, Quyết định 679/QĐ-UBND giao dự toán chưa phù hợp. Bởi địa hình của xã có nhiều sông, suối nên phát sinh cống và mương thoát nước hai bên đường nhiều, trong khi người dân không có kỹ thuật và kinh phí để làm. Vừa qua, hai tuyến đường của tổ 3 (ấp 7) có 4 cống thoát nước, UBND xã phải trích 10 triệu đồng từ vốn nhân dân đóng góp làm NTM để thuê người làm, còn mương thoát nước thì người dân phải tự đóng góp thuê máy múc.
Khó khăn thứ hai là việc thanh, quyết toán công trình. Theo Quyết định số 679, người hưởng lợi tự quyết định cách thức tổ chức thực hiện. Việc thanh, quyết toán công trình được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 2-12-2013 và Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24-2-2012 của Bộ Tài chính, nhưng 2 thông tư này lại không nói rõ người dân hay UBND xã quyết toán công trình. Ông Bùi Duy Dũng nói: Nếu UBND xã quyết toán thì phải qua kho bạc nhà nước. Muốn vậy, UBND xã phải mua hóa đơn bên ngoài nên chi phí công trình bị đội lên, còn người dân thì không có tư cách pháp nhân để thanh toán.
Theo: baobinhphuoc.com.vn