Bình Thuận - điểm đến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ sáu - 05/05/2017 02:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bình Thuận có diện tích đất nông nghiệp lớn có thể canh tác nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Tỉnh xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nhờ phát triển hệ thống công trình thủy lợi khoa học và rộng khắp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh bình quân đạt 90 triệu đồng/ha, ở mức khá so với cả nước. Sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Máy móc, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 80% trong khâu gieo trồng; nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại từ Israel.
Hiện nay, Bình Thuận đang dành khoảng 2.000ha đất sạch với hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong để mời gọi các doanh nghiệp tới đầu tư. Ông Phạm Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á, một trong những doanh nghiệp tiên phong, đầu tư vào khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong cho biết, từ việc thử nghiệm thành công trồng ổi và thanh long, trong năm nay công ty sẽ triển khai trồng thêm 5ha dưa lưới trong nhà màng và tăng thêm diện tích sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn với quy mô 10.000ha tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao, thông qua việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để tăng giá trị xuất khẩu.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng hiện Bình Thuận có 27.000ha trồng thanh long và mỗi năm thu về khoảng 200 triệu USD với chủ yếu là xuất bán trong nước và xuất khẩu ở dạng thô, chế biến không đáng kể. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bình Thuận phải xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, có khả năng thu hút các nhà máy chế biến nhằm nâng cao giá trị cây thanh long, với diện tích cả tỉnh có thể nâng lên 60.000ha, đồng thời đem lại doanh thu lên tới 2 tỷ USD nếu sản xuất và xuất khẩu theo hướng chế biến sâu.
Theo: Thanh Bình/sggp.org.vn