Năm 2015, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; riêng huyện đảo Phú Quý đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ðể thực hiện mục tiêu này, Bình Thuận lựa chọn các tiêu chí đẩy mạnh phát triển sản xuất; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Năm 2014, tỉnh Bình Thuận công nhận tám xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận đã trở thành phong trào sâu rộng của các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị; huy động được sức mạnh từ nhân dân; việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định các xã về đích xây dựng nông thôn mới tiến hành công khai, dân chủ, thẳng thắn. Tuy nhiên, Bình Thuận cũng lưu ý các địa phương sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục phát động phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; củng cố các tiêu chí đạt được một cách bền vững...
* Bình Dương xây dựng bốn khu nông nghiệp công nghệ cao
Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và triển khai xây dựng bốn khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là 979,71 ha; gồm 411,75 ha ở xã An Thái, 78,5 ha ở xã Hiếu Liêm, 17,6 ha ở xã Vĩnh Tân,... Tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80% đến 100%; toàn bộ diện tích canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; hơn 90% số đàn heo, gia cầm được nuôi tập trung gắn với vùng an toàn dịch bệnh.
Về chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ hiện đại gắn với chế biến và bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở được công nhận an toàn dịch; 364 điểm trình diễn với các mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn sinh sản hướng nạc...
Ðịnh hướng phát triển của Bình Dương là giảm tỷ trọng nhưng phải tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế; phát triển chăn nuôi, chuyển dịch các vùng chăn nuôi tập trung lên các huyện phía bắc; đẩy mạnh hoạt động của các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
PV VÀ TTXVN
Theo nhandan.org.vn