Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh An Giang tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực

Nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 190km, cách thành phố Phnom Penh - Campuchia 120km, diện tích 3.537 km2, dân số gần 2,2 triệu người, An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của cả khu vực ĐBCSL, là cửa ngỏ giao thương quan trọng, kết nối vùng đất chín rồng với thành phố Hồ Chí Minh và các nước Đông Nam Á.
Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh An Giang tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực

An Giang còn là nơi dòng sông mẹ Mê Kong đỏ nặng phù sa chảy vào đất Việt, vun bồi cho châu thổ Cửu Long xanh tươi, trù phú, ruộng đồng bao la, cây trái ngọt lành. Với tài nguyên đất và nước phong phú, đa dạng, có ưu thế lớn để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Nếu như Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của cả nước, hàng năm đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu thì An Giang là tỉnh có sản lượng lúa cao đứng hàng thứ hai của cả nước và cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác lúa, xây dựng vùng lúa chất lượng cao.

Trong những năm qua, An Giang đã cải tạo đất cũng như tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng; đồng thờiđẩy mạnh đầu tư phát triển đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng và phát triển cơ giới hóa vào sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, từ đó góp phần tăng quy mô sản xuất. Diện tích sản xuất lúa hàng năm đảm bảo ở mức trên dưới 600 nghìn ha, sản lượng đạt bình quân trên dưới 4 triệu tấn/năm (tương đương 16% sản lượng lúa gạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long) với năng suất ổn định từ trên 5,9 - 6,3 tấn/ha.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đồng nhất chất và lượng, tạo vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chủ động trong quá trình sản xuất kinh doanh thông qua các dự án chuỗi liên kết, từ năm 2011 tỉnh An Giang đã triển khai những mô hình cánh đồng lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đều liên kết sản xuất với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, gieo trồng theo quy trình có khả năng truy xuất nguồn gốc... Các loại giống được sử dụng chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Jasmine 85, OM 4218, OM 6976, OM 5451, OM 7347, giống hạt tròn Japonica, nếp CK92, CK 2003 và một số giống của Cty CP Tập đoàn Lộc Trời tự nhân ra như: AGPPS 103, AGPPS 135, AGPPS 137, AGPPS 140…

Mỗi năm, tỉnh xuất khẩu khoảng trên 400 ngàn tấn gạo, thu về trên dưới 220 triệu USD. Hiện sản phẩm gạo đã có mặt và xuất khẩu trên 63 quốc gia, trong đó thị trường Châu Á (Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Philippine...), Châu Phi (Angola, Gana, Algeria...), Châu Âu (Đức, Mayotte, Tây Ban Nha, Hà Lan), Châu Mỹ (Mỹ, Canada, Chile, Brazil) và thị trường Châu Đại Dương (Australia, New Zealand, Fiji) và một số quốc gia thuộc Trung Đông.

Để quan hệ thương mại gạo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng phát triển, tiếp nối những thành công của hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức trong thời gian qua, sáng ngày 09 tháng 5 năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức “Hội thảo hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc”. Tham dự Hội thảo có đầy đủ các cơ quan, ban ngành của tỉnh An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp..., ngoài ra còn có 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc, đến từ Hạ Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Trung Sơn, Đông Quảng, Quảng Châu, Hồ Nam, Giang Tô, Thâm Quyến… và 30 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp hai bên trực tiếp kết nối giao thương và có kế hoạch hợp tác bền vững nhằm góp phần phát triển thương mại gạo song phương bền vững trong thời gian tới. Kết thúc Hội thảo, đã có 2 thương nhân xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đã ký kết được 5 Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.Với sản lượng lúa, gạo đứng thứ nhì Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm trung bình trên 400.000 tấn cùng lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, đi đầu cả nước về xây dựng cánh đồng mẫu và vùng nguyên liệu… An Giang là địa phương có đầy đủ tiềm năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước, trong đó có Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường (đặc tính thói quen tiêu dùng, thị hiếu, khẩu vị, cách thức tiêu dùng) để từng bước chuyển đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Theo đó, sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thương mại gạo thế giới đã có bước chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng gạo phẩm cấp chất lượng thấp đã giảm dần, tỷ trọng gạo trắng phẩm chất lượng cao, gạo thơm và gạo đặc sản đã tăng dần (năm 2014 tỷ trọng lượng gạo phẩm cấp chất lượng thấp chiếm 31,8%, gạo phẩm cấp chất lượng cao chiếm 21%, gạo thơm chiếm 20% trong tổng tỷ trọng gạo xuất khẩu thì năm 2017 tỷ trọng gạo phẩm cấp chất lượng thấp chỉ chiếm 8%, gạo phẩm cấp chất lượng cao chiếm 24%, gạo thơm chiếm 29%). Thị trường xuất khẩu gạo cũng được mở rộng và phát triển, đến năm 2018 sản phẩm gạo đã hiện diện ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm gạo không chỉ có mặt tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Cuba… mà ngày càng thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, khó tính như Hồng Công, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông, Hoa Kỳ, I- rắc...

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung nguồn lực dài hạn XTTM cho mặt hàng chủ lực, có tính đặc thù, vào các thị trường ưu tiên có hiệu quả, có tập trung trọng tâm, trọng điểm.Các hoạt động chính cho Chương trình XTTM gạo thời gian tới có thể kể đến như: Xây dựng chương trình làm việc với cơ quan quản lý nhập khẩu, Hiệp hội nhà nhập khẩu gạo; Làm việc với hệ thống bán buôn, bán lẻ, hệ thống chuỗi siêu thị, tập đoàn lớn; Tổ chức hoạt động giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm gạo của Việt Nam; tổ chức gian hàng gạo Việt Nam tham gia Hội chợ lương thực, thực phẩm tại nước sở tại. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đổi mới các hoạt động XTTM với các hình thức như: Thuê các cơ quan xúc tiến thương mại, tư vấn truyền thông tại nước sở tại tổ chức chuỗi sự kiện, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh gạo Việt Nam hiệu quả xung quanh và trong thời gian diễn ra chương trình XTTM gạo; Tổ chức Ngày gạo Việt Nam tại thị trường sở tại; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường thông qua việc mua nguồn thông tin chuyên ngành của thị trường sở tại từ đó nắm bắt được tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các chủng loại gạo đặc thù riêng của từng địa phương tại thị trường sở tại để có những giải pháp định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương tổ chức sản xuất đáp ứng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của các nước.

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình XTTM một cách đồng bộ, các thương nhân tham gia cũng cần nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, đặc biệt là kỹ năng, kiến thức về marketing sản phẩm và tìm hiểu trước về thói quen, tập quán tiêu dùng của thị trường đi XTTM; đồng thời cần nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về thị trường sở tại, lập kế hoạch tiếp cận danh sách các đối tác tiềm năng, mới để Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối, giao thương. Ông Lưu Anh, Ủy viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây cho biết, để gạo Việt Nam thông thương qua thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc cần có thêm nhiều cuộc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại như Bộ Công Thương tổ chức lần này để bàn rõ việc làm ăn, bên cạnh đó cần đẩy mạnh hệ thống thương mại điện tử vì nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã thực hiện và hiệu quả.

 
Cục Xuất nhập khẩu
http://www.moit.gov.vn