Bộ NN & PTNT kiểm tra công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân
- Thứ tư - 11/12/2019 09:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi kiểm tra
Theo đó, đoàn đã đi kiểm tra công trình trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Trạm bơm Thanh Điềm và trạm bơm dã chiến Thanh Điềm nằm trên địa bàn xã Chu Phan, huyện Mê Linh, do Công ty Thủy lợi Hà Nội khai thác, quản lý. Hiện nay, Dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm được UBND Thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện để đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 6.500ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh.
Tại trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích, đây là một trong những trạm bơm có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống hạn cho các địa phương khu vực phía Bắc và Tây Bắc Thủ đô.
Tại đây các trạm bơm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã thăm hỏi, tặng quà, đồng thời, động viên cán bộ, công nhân viên trạm bơm tiếp tục vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các công ty thủy lợi bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện, chủ động lấy nước, tích nước bảo đảm cấp đủ nước làm đất cấy lúa và tưới dưỡng.
Đoàn kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm Phù Sa, thị xã Sơn Tây
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị ngành nông nghiệp Hà Nội cần xả nước hồ Đồng Mô chống hạn vụ Đông Xuân trước thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa thượng nguồn sông Hồng thiếu hụt khoảng 7,5 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội phải tăng cường lấy nước ngược, tăng lưu lượng xả hồ Đồng Mô, Suối Hai để cấp nước vụ Đông Xuân, giảm lệ thuộc vào nguồn nước từ sông Hồng.
Mỗi ngày xả nước, EVN thiệt hại 100 tỷ đồng, vì vậy, theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cách đây 7 năm, khi hồ Hòa Bình xả nước 3 cửa thì mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 2,2m. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học mới nhất, đến năm 2022, nếu hồ Hòa Bình xả tất cả 6 cửa thì mực nước tại Hà Nội cũng chỉ đạt khoảng 1,8m.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT nguyên nhân là do tổng lượng cát chảy về sông Hồng mỗi năm chỉ 5 triệu m3 nhưng chúng ta cấp phép cho các doanh nghiệp với tổng lượng khoảng 35 triệu m3/năm. Đó là chưa kể hoạt động khai thác cát lậu, trái phép diễn biến hết sức phức tạp. “Ước tính, mỗi năm, đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 20cm, đây là nguy cơ rất cao”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh “Hà Nội phải có giải pháp để chủ động cấp nước vụ Đông Xuân, giảm lệ thuộc vào các đợt xả nước tăng cường của các hồ chứa thượng nguồn sông Đà, sông Hồng”.
Theo Lê Tâm/hanoi.gov.vn