Bộ NN&PTNT triển khai giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

Sáng 26/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Tham dự hôi nghị có đại diện các Bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y/Chăn nuôi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số hội, hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thu y và cơ quan thông tấn báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị

Báo cáo của Cục Thú y cho biết, lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 24/12/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.965.173 con; với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước); trong đó có 6.315 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Hiện tại, 03 tỉnh (Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình) đã hết dịch. 25 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, An Giang, Tp.Cần Thơ, Gia Lai, Bình Phước, Tp.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu giang, tây ninh, hà Nội, Long An, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Tính đến ngày 24/12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 23 xã, số lợn buộc phải tiêu hủy là 34.715 con. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11/2019 và giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, với nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, do vậy tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726 nghìn tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh DTLCP. Trong đó, thịt bò tăng 8,6 ngàn tấn; thịt dế, cừu tăng 4,1 ngìn tấn; thịt gia cầm tăng 193,6 nghìn tấn; sản lượng trứng ước đạt 13,2 tỷ quả, tăng 90 nghìn tấn; thủy sản 8,20 triệu tấn, tăng 430 ngìn tấn.

Đối với chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh DTLCP làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018; sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn). Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y, tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,... Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP. Các doanh nghiệp (DN) lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty CP. Masan, Vavin,… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thtij lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Canh Tý.

Trong thời gian tới, theo nhận định của Cục Thú y, bên cạnh yếu tố thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển thì việc tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật cũng khiến nguy cơ dịch bệnh xảy ra phạm vi rộng là rất cao. Do đó, các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; rà soát và đề xuất về cơ chế, chính sách đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống dịch.

Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn giống và sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến sâu theo quy định hiện hành.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Đến nay, phải công bằng nhìn nhận sự thành công trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là các DN chăn nuôi nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là nhờ thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân, có mức tiêu thụ thịt lợn chiếm cơ cấu rất cao, tới 60-70% là thịt lợn.

Sự thành công của DN, nhất là các DN đầu tư nước ngoài trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn ở Việt Nam bên cạnh năng lực của DN, còn phải có điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận của chính sách, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường. Tạo mọi điều kiện cho vấn đề lưu thông thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường. Tạo mọi điều kiện cho vấn đề lưu thông thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. 

Bộ trưởng đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các DN chăn nuôi lợn phải đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, để không chỉ thu lợi trong ngắn hạn, chụp giật, mà còn phải tạo sự ổn định thị trường 100 triệu dân, tiến tới thị trường quốc tế, xuất khẩu, trở thành cường quốc về chăn nuôi.

V.A (mard.gov.vn)