Bộ đội đắp đường vào bản

Bộ đội đắp đường vào bản
Những ngày đầu tháng 11 này, cán bộ Ban CHQS huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) và 30 chiến sĩ Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395) mang 2 ô tô tải, 2 máy trộn bê tông tập trung hoàn thành con đường dài gần 1km vào bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa lây rây nhưng không vì thế mà giảm đi khí thế lao động của các chiến sĩ. Có lẽ người vui nhất hôm nay là trưởng bản Chìu Cắm Tắc.

Trò chuyện với thượng tá Nguyễn Ngọc Chí - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, ông Tắc bộc bạch: “Bản Tài Lý Sáy có 643 hộ gia đình chủ yếu là dân tộc Dao, đời sống còn nghèo. Con đường là niềm mơ ước của bà con dân bản từ lâu, nhưng chưa thực hiện được. Nay nhờ có bộ đội mang máy móc về giúp, vận động bà con hăng hái tham gia, bản ta sắp có đường mới khang trang rồi”.

Bộ đội Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) làm đường vào bản Tài Lý Sáy.

Trước mắt chúng tôi, từng đoạn lồi lõm, ngập ngụa bùn đất đã dần được san phẳng để những ngày tới bộ đội trải bê tông mặt đường. Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm - ông Chíu Sáng Hiếng cho biết: Những lời bộ đội nói, những việc bộ đội làm đều vì mục đích mang lại sự no ấm cho bản làng nên bà con tin lắm. Nghe bộ đội vận động, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất để làm đường.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Tằng Văn Thím - Dường Tài Múi ở bản Tài Lý Sáy xách ấm nước chè xanh ra mời bộ đội đang trải bê tông mặt đường. Ông Thím phấn khởi nói: “Giờ bà con không phải đi đường mòn nữa. Có đường mới bà con đi lại, làm ăn thuận tiện, trẻ con đến trường dễ dàng. Nhờ có bộ đội về bản làng đấy!”.

Thượng tá Trần Khắc Xung - Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Hoạt động này nằm trong đợt thi đua quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện sẽ tích cực cùng bà con lao động sản xuất, xây dựng quê hương theo chương trình nông thôn mới.

Trong thời gian tới, công tác dân vận của lực lượng vũ trang huyện tiếp tục tập trung xây dựng củng cố hệ thống đường giao thôn nông thôn, hướng dẫn bà con xây dựng nếp sống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.