Bỡ ngỡ đầu tư

Nông nghiệp được xác định là mặt trận kinh tế hàng đầu, là bệ đỡ của nền kinh tế, là "vịnh tránh bão” khi nền kinh tế khó khăn. Nhưng lâu nay, xem ra việc đầu tư vào lĩnh vực này rất phập phù. Nói như ông Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì doanh nghiệp bỡ ngỡ khi đầu tư vào nông nghiệp.
Lý do chính được TS Sơn đưa ra là còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, trước việc thời gian qua một số "đại gia” đã "ngó” sang nông nghiệp cũng được ông Sơn đánh giá là một tín hiệu mừng.
 
Nông nghiệp vốn bị coi là lĩnh vực làm ăn nhỏ, lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Tuy đa số chủ doanh nghiệp xuất thân từ con nhà nông dân, cũng có thời chân lấm tay bùn, nhưng rồi khi thành đạt, giàu có lại ít nghĩ về việc rót vốn về làng. Nhiều người nói rằng, do tâm lý tiểu nông vẫn đè nặng, cách làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tác phong công nghiệp, tư duy thương mại yếu nên đầu tư vào nông nghiệp nhiều vốn nhưng lại sinh lời ít. Đó là chưa kể việc sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên thời tiết. 
 
Trở lại với sự "bỡ ngỡ” của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, thật cũng ngạc nhiên khi đã quá hiểu đất, hiểu người nhưng vẫn bỡ ngỡ. Thực ra thì họ e ngại đầu tư vào đây sinh lời ít, trong khi lại gặp những rào cản lớn, trong đó nổi lên là việc tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn là rất khó khăn do những quy định về sử dụng đất đai chưa rõ ràng. Nay, khi nền kinh tế hội nhập sâu, đã chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng hóa lớn thì không thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, cần chí ít là 3 yếu tố là vốn, khoa học công nghệ và thị trường. Điều đó thì tự nông dân không có, mà phải được đưa tới từ những nhà đầu tư. Nhưng nhà đầu tư có thu lời được không khi mà việc tích tụ ruộng đất đang chưa gỡ được. Còn nhớ, tại một buổi gặp mặt giữa các nhà đầu tư nông nghiệp cuối năm 2014, nhiều doanh nghiệp than phiền họ không được miễn thuế cho dù áp dụng công nghệ cao để trồng hoa, chiết xuất collagen từ sụn cá tra. Đáng chú ý, một doanh nghiệp làm nước chanh leo tại Nghệ An cho biết, chi phí vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An trong 3 năm thì đủ để xây dựng một nhà máy mới. Như vậy thì đầu tư làm sao sinh lời được.
 
Khó là vậy, nhưng hy vọng các chủ doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, tìm ra được những "cánh cửa hẹp” để lách vào đầu tư. Và cũng mong sự bỡ ngỡ  sẽ nhanh chóng qua đi.
 
BẮC PHONG
theo daidoanket