Bỏ rơi nông dân trong quy hoạch đất đai

Bỏ rơi nông dân trong quy hoạch đất đai
LTS: Luật Đất đai là bộ luật lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân. Để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, toàn diện nhằm hoàn thiện bộ luật này, Báo NTNN mở đợt cao điểm tuyên truyền, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với các nội dung chuyên sâu, như: Quyền tham gia quy hoạch, giám sát sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường sau thu hồi...

 

Rất nhiều các quy hoạch sử dụng đất được lập ra, rồi thực hiện nhưng người dân hoàn toàn không biết, không được hỏi ý kiến. Điều này dẫn đến việc người dân bị động trong kế hoạch sản xuất; nhiều quy hoạch được lập ra nhưng không thực hiện được, gây thiệt hại nặng nề về tiền bạc của người dân, Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ thêm vấn đề này.

Anh Bùi Hoàng Dũng bên căn nhà và cánh đồng trồng dứa (khóm) bỏ hoang vì quy hoạch KCN Tân Phước 1 (Tân Phước- Tiền Giang).

Nông dân mù mờ quy hoạch

Năm 2002, UBND tỉnh Long An phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) An Nhựt Tân nằm sát mé sông Vàm Cỏ Đông, tại các ấp 4, 5, 6 thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Dự án này chiếm khoảng 200ha đất lúa bờ xôi ruộng mật, mỗi năm có thể làm 3 vụ lúa ăn chắc. Thế nhưng, 11 năm trôi qua, khu vực được quy hoạch vẫn chưa xuất hiện bất kỳ nhà máy, xí nghiệp nào đến xây dựng.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, ngụ ấp 5, xã An Nhựt Tân, than thở: “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, người dân không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ phía chính quyền và nhà đầu tư. Trong khi chưa ai nhận được quyết định thu hồi đất thì chính quyền địa phương đã buộc dân phải giao sổ đỏ, ép nhận tiền đền bù thu hồi đất với giá 40.000 - 60.000 đồng/m2 (đất trồng lúa). Đến nay, dự án đắp chiếu, chúng tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao!

Tương tự như vậy, tại Bắc Ninh, Dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu được UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi đất và giao cho Ban quản lý Dự án hợp đồng xây dựng, sau đó chuyển giao cho TP.Bắc Ninh để tiến hành triển khai vào tháng 9.2010.

Ngày 1.12.2010, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Những quyết định này, đáng lẽ phải công khai cho dân biết, thì theo phản ánh của dân, họ hoàn toàn không nắm được. Mãi đến 13.1.2013,khi UBND TP.Bắc Ninh tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng, người dân mới... tá hỏa.

Ông Nguyễn Văn Tiến (phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh) cho biết: “Ngày 24.1.2011, chúng tôi được mời về Nhà văn hóa khu Bồ Sơn để họp và được thông báo là thu hồi đất để làm Dự án hồ Văn Miếu. Đáng ngạc nhiên là chỉ một ngày sau khi thông báo thu hồi đất, người dân được thông báo lên nhận tiền đền bù. Thấy bất thường nên chúng tôi không lên nhận... Việc này, nếu như trao đổi trước, hoặc cho chúng tôi biết rõ về quy hoạch chắc mọi việc cũng không phức tạp như thế”.

Thiệt thòi quyền lợi của dân

Do nông dân bị bỏ rơi, không được biết các quy hoạch sử dụng đất nên thiệt thòi về tiền bạc là khó tránh khỏi. Tại Tiền Giang, KCN Long Giang hình thành được 6 năm nhưng vẫn còn hàng chục người dân khiếu kiện, không chịu giao đất. Theo hồ sơ, năm 2007, chính quyền địa phương giao 540ha đất đang trồng dứa (khóm) ở xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước cho một nhà đầu tư làm KCN. Anh Hồ Văn Huấn kể: “Chính quyền chia thành 6 điểm rồi mời dân lên để triển khai dự án. Chỉ có điều, việc triển khai này áp từ trên xuống chứ dân không được yêu cầu bất kỳ điều gì.

Vùng này chuyên canh dứa xuất khẩu, nông dân đang sống sung túc bỗng dưng bị “lùa” ra ngoài với mức hỗ trợ 181 triệu đồng/ha nên người dân phản ứng quyết liệt. Năm 2011, khi báo chí lên tiếng về cảnh khổ của dân, tỉnh Tiền Giang mới vận động nhà đầu tư chi thêm 100 triệu đồng/ha. Nếu chúng tôi biết trước quy hoạch, rồi được tham gia ý kiến thì có lẽ mọi chuyện đã không như thế”.

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp tại trụ sở cơ quan và trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được thực hiện trong suốt thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hiệu lực.

(Điều 46, Chương IV về công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp)

Không những dân bị thiệt hại, mà chính quyền cũng bị làm khó bởi những dự án úp mở về thông tin. Câu chuyện ở Hà Tĩnh là một ví dụ. Cuối năm 2010, một số hộ dân thôn Cây Tắt (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) được cấp tái định cư tại khu Bàn Phật (chưa được bàn giao) để trao trả mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án Cổng B, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang trong quá trình san lấp mặt bằng xây dựng.

Người dân đang triển khai thì nhận được Quyết định 311/QĐ-UBND ngày 28.1.2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt quy hoạch Dự án Khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và đô thị Hà Tân (ở xã Sơn Tây, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo).

Tiếp đó, ngày 26.4.2011, một số hộ dân được cấp tái định cư tại địa bàn khu Bàn Phật và nhiều hộ dân khác chịu ảnh hưởng của dự án Khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và đô thị Hà Tân, dọc theo Quốc lộ 8A lại nhận được Thông báo số 09 của UBND xã Sơn Tây (Hương Sơn) về việc cấm xây dựng, cơi nới các công trình nằm trong khu vực quy hoạch dự án, để chờ điều chỉnh.

Ông Nguyễn Thế Đạt – một hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa - bức xúc: “Chúng tôi bị xoay như chong chóng, không biết phải thực hiện việc di dời, trả mặt bằng và kể cả chuyển tới khu tái định cư mới như thế nào”.

Trao đổi với PV NTNN về vấn đề trên, ông Lê Đình Vỹ - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh khẳng định: “Ban quản lý dự án Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo công bố dự án không đồng bộ, rõ ràng từ đầu. Đáng lẽ phải thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết từ đầu quy hoạch tổng thể, sau đó đến quy hoạch các dự án nhỏ thì dễ dàng hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai cũng như cuộc sống của người dân không bị xáo trộn. Đằng này, Ban quản lý lại công bố các dự án nhỏ trước rồi mới đến quy hoạch chung, nên không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng bị động”...

Bạn đọc, các hội viên nông dân có ý kiến đóng góp, hiến kế cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi xin gửi về địa chỉ: Báo NTNN - 13 Thụy Khuê, Hà Nội, ĐT 04.38474245.