Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vì danh dự quốc gia, phải gỡ được 'thẻ vàng' IUU

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có hơn nửa ngày trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, xoay quanh vấn đề chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của Quốc hội

Bộ trưởng NN-PTNT cũng sẽ thông tin về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng như hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu: Đây là lần thứ hai Bộ trưởng NN-PTNT được yêu cầu trả lời chất vấn trong kỳ họp, chúng tôi cho rằng các nội dung chất vấn này giúp Bộ nhìn nhận lại mình tốt hơn trong hoạt động, qua đó khắc phục được những tồn tại. Chúng tôi coi đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn đây là cơ hội lắng nghe, qua đó có các giải pháp tốt.

Vì danh dự, phải gỡ được "thẻ vàng"

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi: Xin Bộ trưởng nêu các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cây dừa; nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ; giải pháp gỡ "thẻ vàng"?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có nói về cây dừa, cây dừa là cây lợi thế trong biến đổi khí hậu, và diện tích trồng dừa của thế giới đang giảm, ta phải tập trung. Thứ hai là cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây này có thể là cây tỷ phú được.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã tập trung các nhóm giải pháp, có cả đề tài khoa học, giao cho Trà Vinh và một doanh nghiệp nhân giống vô tính cây dừa, vùng nào trồng giống dừa lấy dầu, vùng nào trồng dừa phục vụ công nghiệp chế biến để đem lại hiệu quả. Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai chủ trương này.

Còn về chất lượng quản lý phân bón, đây là nội dung lớn trong qua trình sản xuất mà ngay kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã đưa ra để chất vấn. Qua đó thống nhất chỉ giao cho một cơ quan quản lý. Đến giờ phút này, tổng năng lực sản xuất của Việt Nam đảm bảo cho nhu cầu, từng bước khắc phục tình trạng vô cơ hóa. Ba là hoàn thiện cơ quan quản lý mới để tập trung ngay, không để xáo trộn. Riêng về sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta tăng từ 160 - 276 triệu tấn, nâng sản lượng từ 0,8 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết thì mới phát triển được lĩnh vực sản xuất phân bón.

Về vấn đề "thẻ vàng", đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, cụ thể là thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất.

Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó, ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

Rất mong các địa phương phải quyết liệt, các thương nghiệp quan tâm hơn và bà con ngư dân, vì danh dự của Việt Nam để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay, tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) tranh luận: Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng nói khâu tổ chức sản xuất không còn là số 1, nhưng theo tôi khâu gốc vẫn phải là số 1. Nếu không thì lấy đâu ra sản phẩm tốt, bán cho ai? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong điều kiện của chúng ta hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh là khâu tìm kiếm thị trường và khâu chế biến là việc chúng ta cần tập trung để phát triển, chứ chúng tôi không coi nhẹ khâu tổ chức sản xuất.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước -  cho rằng, Bộ NN-PTNT là cơ quan chỉ đạo công tác xây dựng NTM rất tích cực, và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Nhưng, có lãnh đạo địa phương cho rằng, thời gian đầu chúng ta chủ yếu tập trung vào các xã có điều kiện phát triển, còn những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì chưa được quan tâm đúng mức, vậy giải pháp tiếp theo ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu, vùng có công với cách mạng chưa được quan tâm đúng mức trong công tác xây dựng NTM, tôi thấy đây là nhận định đúng. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ phân bổ nguồn lực cho giai đoạn tới.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về công tác giám sát an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, Bộ đang áp dụng phương châm xã hội hóa để đưa các doanh nghiệp vào quá trình kiểm soát. Để đánh giá hoạt động này, Mỹ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương kiểm soát an toàn thực phẩm với cá tra. Điều này mở ra triển vọng để các doanh nghiệp có thể tự tin xuất khẩu sang các thị trường.

Tổ chức Thú y thế giới đánh giá Việt Nam minh bạch thông tin về dịch tả lợn

Sau thời gian giải lao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu nêu về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Có thể nói dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.

Trước đó, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. Nhưng do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc.

Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh, và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

Có được thành tích trên là cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn đến tận ổ dịch để chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có ngay chính sách hỗ trợ theo giá thành của sản xuất, và yêu cầu chuẩn bị sẵn để xây dựng kịch bản tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Tổ chức Thú y thế giới cũng đánh giá chúng ta rất minh bạch thông tin về dịch tả lợn, không giấu giếm để đề ra giải pháp. Còn nhiều quốc gia khác thì giấu giếm, nên không thể biết được tình hình thực tế về dịch tả lợn Châu Phi là như thế nào.

Đến nay, chúng ta vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, đây là hạt nhân để phát triển đàn lợn sau này. Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi vào Khoái Châu (Hưng Yên) cách đây 3 tuần, có nhiều hộ chăn nuôi 3.000 - 4.000 con lợn mà đàn chuồng trại vẫn rất sạch bệnh, không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có nông dân tên Nghĩa còn ứng dụng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ lợn.  

Vấn đề chênh lệch giàu nghèo và mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chất vấn: Trong chủ trương gắn sản xuất với tiêu thụ là đúng đắn nhưng chưa hiệu quả, Bộ trưởng sẽ làm gì để hỗ trợ nhân dân?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Về đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết giúp người dân, có thể ví dụ như Kiên Giang đang dẫn đầu với 4 triệu tấn lúa nhưng đã nghiên cứu để giảm sản lượng lúa để nhường cho cây, con khác. Thay vào đó, Kiên Giang đang chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm xen với lúa. Tới đây, Bộ sẽ cùng với các tỉnh, trong đó có Tiền Giang để tái cơ cấu ngành hàng cho phù hợp.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chất vấn: Nông thôn mới hình thành góp phần nâng cao dân trí của vùng, nhưng vẫn còn chênh lệch về giàu nghèo, chất lượng y tế. Đâu là giải pháp căn cơ, đòn bẩy để rút ngắn chênh lệch nêu trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Yến Linh về chênh lệch giàu nghèo và mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Nếu không có chính sách quyết liệt và chỉ đạo thì đến nay sẽ có khoảng giãn về chênh lệch giàu nghèo, các thiết chế hạ tầng xã hội. Đây cũng là "rốn" của phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Do đó, cần có sự đầu tư thích đáng cho khu vực này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời bổ sung về chất lượng dịch vụ y tế ở vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, mặc dù chúng ta đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ như tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân... nhưng để giải quyết vướng mắc, chúng ta cần giải quyết được vấn đề chuyên môn kỹ thuật, nhiều vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng được một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, và người dân đã không cần chuyển lên tuyến trên nhiều như trước. Bên cạnh đó, rất nhiều trạm y tế cũng đã được xây dựng mới ở các vùng khó khăn.

Về tài chính, chúng ta có hai chỉ số bảo hiểm y tế toàn dân đạt vượt mức, còn riêng vùng sâu, vùng xa, Chính phủ bỏ tiền ngân sách mua bảo hiểm cho dân, do đó đây chính là vùng đạt tỷ lệ bảo hiểm y tế cao nhất, người nghèo không phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Bộ trưởng Kim Tiến tin với những nỗ lực thực hiện, thì trong thời gian không xa sẽ giảm được sự chênh lệch trong thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Giải pháp gì cho "tàu 67"?

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.

Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.

Chất vấn sâu hơn về vấn đề "tàu 67", đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) tranh luận, trong câu hỏi của tôi có việc lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi, có một số ngư dân tháo phá kẹp chì của định vị, mang một số định vị ra khu vực tàu hậu cần có hỗ trợ dầu để lấy hỗ trợ của nhà nước. Đại biểu nghi ngờ có tình trạng móc nối giữa ngư dân và cơ quan nhà nước để rút tiền hỗ trợ. Vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để chấn chỉnh vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận phát hiện của đại biểu, nhất là việc trục lợi chính sách mà cụ thể là Nghị định 67. Bộ NN-PTNT sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát lại. Còn đối với các giải pháp về quản lý, cần phải quản chặt thiết bị định vị. Nếu phát hiện sai phạm thì không cấp phép cho các tàu ra khơi nữa. Bên cạnh đó, nếu phát hiện Chi cục Thủy sản nào móc nối với ngư dân để rút tiền ngân sách hỗ trợ thì phải xử lý nghiêm khắc.

Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Đối với việc triển khai Nghị định 67, sau khi làm việc với các địa phương, chúng tôi đã tiếp tục báo cáo Thủ tướng để triển khai. Và trong thẩm quyền của mình, chúng tôi đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều nông dân vay vốn, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu. Cuối tháng 10, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức lại sản xuất hiệu quả bền vững hơn, và kiến nghị UBND các tỉnh, thành tập trung phối hợp với ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì cơ cấu lại nợ, còn đối với các trường hợp chây ỳ, thì sẽ kiên quyết thu hồi nợ. Với các giải pháp này, Bộ NN-PTNT, các địa phương và ngân hàng cùng phải vào cuộc để giải quyết tốt hơn.  

Những ngành hàng nhỏ phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn: Việc giải cứu nông sản, Bộ trưởng có trách nhiệm thế nào? Việc ngư dân Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị. Ví dụ như Bắc Giang, gà đồi Yên Thế bán rất tốt, ở Sơn La quả xoài xuất khẩu ra quốc tế rất tốt.

Đối với vấn đề tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, cần phải khẳng định là chúng ta đang khai thác hàng năm ở mức 3,1 - 3,2 triệu tấn, do đó quá mức so với trữ lượng hải sản. Đội tàu của chúng ta đang quá đông, do đó Chính phủ có phương hướng giảm sản lượng khai thác, thay đổi cơ cấu kinh tế, đó là tăng cường nuôi biển. Tại Kiên Giang, trước đây có 1 xã gần như 100% đi khai thác hải sản, nhưng đến nay hơn 1.000 hộ chuyển hướng nuôi cá lồng. Đây là xã nông thôn mới, đời sống của người dân rất cao.

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắc Nông) đặt câu hỏi: Giải pháp gì để phục hồi, chuyển đổi khi được mùa mất giá hay được giá mất mùa?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Tổ chức sản xuất chuỗi liên kết sẽ giảm hiện tượng được mùa mất giá. Về tổng thể, có thể khẳng định chúng ta đang tạo ra chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bất cập nhất là khâu chế biến và tổ chức thương mại.

Ví dụ, Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng hạt tiêu của thế giới, phát triển chỉ trong 7 năm nên thừa là đương nhiên. Do đó, sắp tới phải tập trung chế biến, chế biến sâu; ngoài ra, phải rà soát để kiểm soát diện tích của từng loại cây cho hiệu quả. Từ đó, khắc phục được hiện tượng được mùa mất giá.

Liên quan tới vấn đề nông sản, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn: Cà phê, cao su, tiêu là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng mấy năm gần đây giá cả bấp bênh, bà con đề nghị được trợ giá, Bộ trưởng cho biết giải pháp tới đây như thế nào?

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đồng bào miền núi đang gặp nhiều khó khăn, do đó vừa qua Quốc hội đã thông qua đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào những vùng khó hăn này, ví dụ như Gia Lai, đích thân đồng chí Bí thứ đi thu hút nông nghiệp, trực tiép ra sân bay đón doanh nghiệp vào, do đó chỉ trong thời gian ngắn đã khởi công được nhà máy chế biến. Và ông chủ doanh nghiệp này cảm động, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn "tư lệnh" ngành Nông nghiệp: Cá ngừ địa phương là sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam, nếu làm tốt khâu chế biến và bảo quản, thì giá trị có thể nâng tới 1 - 2 tỷ đô. Vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng có chỉ đạo như thế nào trong xây dựng phương án hạn, đảm bảo chế biến, bảo quản tốt cá ngừ sau đánh bắt?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu số liệu, xuất khẩu cá ngừ đã đạt được 650 triệu USD. Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến việc khai thác, chế biến tốt hơn thì sẽ đạt giá trị cao hơn. Có một số doanh nghiệp đã chế biến được sản phẩm từ cá ngừ, nhưng chưa nhiều. Như Khánh Hòa, mô hình liên kết giữa Công ty với ngư dân khi đưa tàu hậu cần thu mua ngay trên biển. Nếu mở rộng được, giá trị nghề khai thác, chế biến cá ngừ có thể tăng gấp 2-3 lần.  

Hệ thống thú y địa phương đang bị tinh giản, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát dịch bệnh

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu câu hỏi: Luật HTX năm 2012 được kỳ vọng là bà đỡ cho phát triển nông nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn. Vậy giải pháp của Bộ trưởng như thế nào? Thứ hai là hiện nay hệ thống thú y địa phương đang bị tinh giản nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Bộ trưởng có giải pháp tới đây là như thế nào?

Trả lời đại biểu Xuyền, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay chỉ có hơn 30% số HTX hoạt động tốt, còn lại là chưa tốt. Bộ trưởng khẳng định HTX là một dạng hình kinh tế phù hợp với Việt Nam, vì những đối tượng làm nông nghiệp rất cần loại hình kinh tế này.

Sau hơn 5 năm triển khai luật HTX mới, chúng ta đã có gần 15.000 HTX, trong đó hơn 50% trong đó là HTX thành lập mới. Điều đáng mừng là chúng ta đã có những lãnh đạo HTX có trình độ tiến sĩ, thạc sỹ, đó là hạt nhân để phát triển hiệu quả.

Thời gian tới, cần hỗ trợ các HTX để chuyển đổi mô hình hoạt động từ cũ sang mới, điển hình như Sơn La, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 600 HTX được thành lập mới, qua đó hỗ trợ rất đắc lực cho nông dân.

Đối với mạng lưới Thú y đang gặp khó khăn, nhiều nơi giải thể, vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước đây chúng ta có một hệ thống Thú y rất đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng quy mô ngành chăn nuôi rất lớn. Vừa qua việc thực hiện Nghị định 08 và 09, nhiều địa phương đã hợp nhất hệ thống Thú y vào các Trung tâm dịch vụ. Chúng ta chưa chuẩn bị kỹ, để xảy ra nhiều vấn đề không phù hợp. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải cân nhắc thật kỹ để không làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Cách đây nửa năm, Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng sáp nhập để nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo tính khả thi.  

Nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Hiện đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản chủ yếu do người dân chủ động, vậy giải pháp hỗ trợ người dân đánh bắt với kỹ thuật cao hơn là gì? Thứ 2, biến đổi khí hậu của Việt Nam nhiều thay đổi, nguy cơ sạt lở đê điều, vậy Bộ NN-PTNT có giải pháp gì?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về việc đánh bắt cá hiện nay nặng về cổ truyền, truyền thống và phương tiện. Hiện nay tổng phương tiện chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn các địa phương đều tự bỏ tiền ra đóng. Ngoài ra, chúng ta đã được trang bị các loại máy dò cá. Tuy nhiên, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng ta cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.

Liên quan đến nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng này. 3 năm gần đây, thiệt hại với khu vực miền núi do sạt lở, lũ ống, lũ quét đang gây ra những thiệt hại nặng nề. Do đó, đang cố gắng chuẩn bị các phương án ứng phó, dự báo tốt hơn. Tới đây, chúng ta phải coi việc đầu tư bền vững cho ứng phó khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất.  

Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi: Về Nghị định 57 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Sau khi nghị định ra đời, các tỉnh, thành phố đều triển khai thực hiện.

Chỉ trong 3 năm, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng hơn 3 lần từ 3.000 lên 11.800, đây là thành công bước đầu. Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn như TH, Vinamilk, FLC, Vingroup... đã tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Những doanh nghiệp này rải khắp các vùng miền, từ sản xuất, chế biến đến tổ chức thương mại. Tuy nhiên, số liệu này có thể nói chưa đáp ứng được nhu cầu khi khu vực nông nghiệp chỉ có 8% trong số tổng doanh nghiệp của cả nước.

Ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 57 thay thế Nghị định 210, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, phát triển thị trường, do đó đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mặc dù có tăng mạnh nhưng vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu các điều kiện và thiếu cơ sở pháp lý, do đó, nếu tăng cường được các chính sách hợp tác công tư thì sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư hơn.

nongnghiep.vn