Bộ trưởng của những quyết sách và hành động

Bộ trưởng của những quyết sách và hành động
Xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, đóng góp cho GDP đất nước gần 20%, gần 2.000 xã nông thôn mới, 10 mặt hàng nông sản lọt vào top xuất khẩu “1 tỷ USD”. Đó là những con số thống kê về sự phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2010-2016 thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông).

Để đạt được những kết quả trên, không thể không kể đến vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trong nhiệm kỳ vừa qua.

Một nhiệm kỳ “vất vả”

Là người từng làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, hiện là Chủ tịch Tổng hội NNPTNT khi trao đổi với NTNN đã nhận xét ngắn gọn: Một nhiệm kỳ vất vả đối với cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát (phải) thăm mô hình nuôi heo an toàn ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sa

Theo ông Hùng, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu, từ hạn hán, lũ lụt, mà mới đây nhất là hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của ngành nông nghiệp. Một khó khăn nữa là, thị trường nông sản rơi vào trạng thái rối loạn cả trong nước cũng như thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng là giai đoạn có nhiều thuận lợi của ngành nông nghiệp. Trước tiên, T.Ư đã tập trung cao trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là về cơ sở hạ tầng. Chưa kể, một số thành tựu khoa học công nghệ của khóa trước đã “tích hợp” lại để ứng dụng trong giai đoạn này.

Có thể nói, mặc dù gặp một số thuận lợi như trên, song Nghị quyết “tam nông” ra đời (năm 2008) và bắt đầu thực hiện bằng Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2010 lại rơi vào đúng chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, trong đó đã tác động đến cả Việt Nam. Điều này đã khiến cho các dự báo về mức đầu tư, thị trường đã có nhiều biến động, thay đổi. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cùng với ngành nông nghiệp, cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát - với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM đã xây dựng và triển khai được Chương trình xây dựng NTM, như một sự kết nối đầu tư giữa nông nghiệp- nông thôn, qua đó tránh phân tán nguồn lực.

Trong một lần chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói: “Kể từ khi triển khai, Chương trình xây dựng NTM chỉ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hết hơn 1 tỷ USD, tức chưa bằng kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn với gần 2.000 xã NTM đến thời điểm này. Điều đó có được là do chương trình đã khơi gợi, huy động được nguồn lực tổng lực từ nhân dân, từ các địa phương”.

Ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp

12 năm làm Bộ trưởng!

Theo dự kiến, vào ngày 28.7, Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn các thành viên Chính phủ, trong đó chức danh Bộ trưởng Bộ NNPTNT sẽ có sự thay đổi. Theo đó, ông Cao Đức Phát sẽ thôi nhiệm vụ là người đứng đầu ngành nông nghiệp sau 12 năm. Ông Cao Đức Phát (sinh năm 1956) được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng vào tháng 7.2004. Sau đó, đến ngày 3.12.2004, ông chính thức được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho đến thời điểm này. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

 

 

Sau khi khởi động Chương trình xây dựng NTM, với Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiệm vụ vẫn chưa dừng lại ở đó, mà ông lại tiếp tục bắt tay vào xây dựng và khởi động đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (ngày 14.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định phê duyệt đề án này.

Nhận xét về đề án này, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, tuy mới là bước đầu, nhưng bằng việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp đã ghi dấu ấn cá nhân rất đậm nét của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Trong rất nhiều cuộc họp,  Bộ trưởng Cao Đức Phát luôn nhấn mạnh và yêu cầu toàn ngành phải coi tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành.

Nói về định hướng phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nước ta đang có 25 triệu người làm nông nghiệp là quá nhiều. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao, ít nhất 2/3 số lao động nông nghiệp hiện nay cần được chuyển sang ngành nghề khác. Những người ở lại nông nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, được hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa, hình thành các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp chế biến hiện đại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao chẳng những giúp tăng thu nhập của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn chứng minh môi trường nông thôn là nơi đáng sống, là chỗ dựa vững chắc cho ổn định xã hội, nhất là khi hơn 40% lao động, 60% dân số vẫn sống ở nông thôn và sống nhờ nông nghiệp trong nhiều năm nữa”- ông Phát nhấn mạnh.

Có một điểm đáng chú ý trong quan điểm phát triển của ông Phát, đó là luôn lắng nghe ý kiến của người dân- “những ý kiến từ ruộng đồng”. Đối với chăn nuôi, cá nhân ông Phát cũng luôn ủng hộ việc phát triển chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng không triệt tiêu chăn nuôi theo mô hình nông hộ.

Nhận xét ngắn gọn về dấu ấn cá nhân của Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nói: Đó là một Bộ trưởng sâu sát với nông dân, xông xáo trong công việc và có trách nhiệm với ngành.

Theo: danviet.vn