Bức tranh nông nghiệp chín tháng đầu năm có nhiều gam màu sáng

NDĐT – Trong chín tháng đầu năm 2018, mặc dù ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản, nhưng ngành vẫn đạt kết quả sản xuất cao hơn so cùng kỳ và cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Kết quả sản xuất nông nghiệp chín tháng đầu năm cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ được tổ chức chiều 28-9, tại Hà Nội.

Các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng đáng kể

Báo cáo tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng tăng 3,82% so cùng kỳ năm 2017; trong đó: Nông nghiệp tăng 2,81% (trồng trọt tăng 3,0%, chăn nuôi tăng 2,41%); lâm nghiệp tăng 6,0%; thủy sản tăng 6,46%. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản chín tháng đầu năm đạt 3,65%.

Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành, có vai trò nổi bật của các lĩnh vực thủy sản (giá trị sản xuất tăng 6,46%), lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), và chăn nuôi (tăng 2,41%); những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ.

Như mặt hàng lúa gạo, tính đến hết tháng 9, cả nước đã gieo cấy được 7.262,4 nghìn ha lúa, giảm so với cùng kỳ; thu hoạch được 5.157 nghìn ha. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm (160,6 nghìn ha) nhưng năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng khoảng 2,7 tạ/ha nên sản lượng lúa tăng ước đạt 31,7 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017; riêng Vụ Đông xuân, năng suất ước đạt 66,4 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn (5,8%) so với vụ Đông xuân năm trước.

Cũng trong chín tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, tính đến ngày 24-9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lơn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.

Với ngành lâm nghiệp, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng; khai thác gỗ đạt khá do thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mở rộng.

Nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngành trong cả năm

Thứ trưởng NN-PTNT phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ chiều 28-9.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết: Chín tháng đầu năm là giai đoạn nước rút Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC nên việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác được triển khai rộng khắp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định, bền vững.

Ông Tuấn cũng chia sẻ: Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo tập trung việc tháo gỡ thẻ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU; hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo sản xuất, đặc biệt với tôm, cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành quý IV và cả năm 2018, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết ngành nông nghiệp tích cực triển khai và đặt mục tiêu cho từng lĩnh vực riêng. Cụ thể, trong tháng 10 về lĩnh vực trồng trọt: Sản lượng lúa thu hoạch phải đạt tối thiểu 4,2 triệu tấn, ngô: 505 nghìn tấn, chè: 44,9 nghìn tấn, cà-phê: 517 nghìn tấn, cao su: 115,1 nghìn tấn; chăn nuôi lợn đạt sản lượng thịt từ 325 nghìn tấn, gia cầm đạt từ 95 nghìn tấn trở lên; lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác phải đạt trên 1.298 nghìn m3 gỗ; thủy sản: Sản lượng phải đạt trên 736 nghìn tấn, trong đó khai thác: khoảng 295 nghìn tấn; nuôi trồng: khoảng 440 nghìn tấn.

Đồng thời, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 10 đạt khoảng 3,65 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2018 đạt khoảng 33,2 tỷ USD và bằng 82% mục tiêu cả năm 2018.

Đặc biệt, với nhu cầu tiêu thụ cũng như xuất khẩu giai đoạn cuối năm, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp theo dõi, điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng; tận dụng tốt cơ hội do tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đem lại, phát huy lợi thế sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng (thủy sản, đồ gỗ, điều…) vào thị trường Mỹ, (sữa, thủy sản, trái cây…) vào Trung Quốc.

 

Bộ cũng chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.

THANH TRÀ
http://www.nhandan.com.vn/